Tổng vốn đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam có thể thấp hơn

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau khi so sánh suất đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với các dự án tương tự, Kiểm toán Nhà nước nhận định, Tổng vốn đầu tư cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có thể thấp hơn con số mà Chính phủ đưa ra.

 Tong von dau tu cho cao toc Bac - Nam co the thap hon - Hinh anh 1
Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hà Mi 

Năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành

Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra vào ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tờ trình, toàn bộ dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư.

Riêng giai đoạn 2 của dự án (từ 2021 – 2025), Bộ GTVT cho biết, dự án sẽ đầu tư làm 729km đường, công trình có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 -10 làn xe, đoạn Cần Thơ-Cà Mau quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.

Dự án gồm các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau 2025).

Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 146.990 tỷ đồng cho 729km. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua thì dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến bố trí khoảng 47.169 tỷ đồng (nhu cầu là 119.666 tỷ đồng).

Như vậy, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho dán và Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Chính phủ cũng kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công. Dau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước (đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng).

Về tiến độ và thời gian thực hiện, giai đoạn chuẩn bị của dự án là năm 2021 - 2022; công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án là năm 2022 - 2023; khởi công dự án vào năm 2023. Quá trình thi công, dự án sẽ áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.

 Tong von dau tu cho cao toc Bac - Nam co the thap hon - Hinh anh 2
 Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có thể hoàn thành vào năm 2025. Ảnh: Chí Bình

Cần bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn

Về phía Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này tính toán, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 nếu không tính chi phí giải phóng mặt bằng, bình quân 1 km cao tốc 175,4 tỷ đồng/km.

So sánh với suất đầu tư các dự án đầu tư đường cao tốc giai đoạn 2017-2020, Kiểm toán Nhà nước nhận định, cao tốc Bắc  - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có thể giảm 16.330 tỷ đồng so với Tờ trình của Chính phủ; bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).

Kiểm toán Nhà nước tính toán, dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công) là dự án tương tự về loại, cấp, quy mô công trình có tổng mức đầu tư (bao gồm cả giải phóng mặt bằng) là 10.854 tỷ đồng/101km (tương đương 107,5 tỷ đồng/km).

Trong khi đó, dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (đầu tư bằng hình thức PPP) có tổng mức đầu tư (bao gồm cả giải phóng mặt bằng) là 9.620,2 tỷ đồng/78,5km (tương đương 122,6 tỷ đồng/km).

Còn dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư (bao gồm cả giải phóng mặt bằng) là 12.577 tỷ đồng/100km (tương đương 125,77 tỷ đồng/km).

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán một số dự án đường cao tốc có quy tương tự (4 làn xe), như dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 và căn cứ Thông tư 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hướng dẫn quy đổi chi phí về năm tính toán, sử dụng chỉ số giá xây dựng bình quân năm 2018, 2019, 2020, Kiểm toán Nhà nước xác định lại số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư là 130.604 tỷ đồng.

Từ tính toán trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và đảm bảo có đủ vốn triển khai hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

Tin liên quan