Ngày 14/11 vừa qua, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp Sở GTVT, Thanh tra Giao thông, Phòng CSGT, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai phương án phân làn, hướng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa/đón hành khách tại ga quốc nội.
|
Sơ đồ phân làn lưu thông ga quốc nội Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). |
Cụ thể, theo phương án phân luồng mới ở sân bay Tân Sơn Nhất, làn A chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay; làn B, làn C dành cho các phương tiện đón khách (trừ xe taxi, xe kinh doanh vận tải); làn D chỉ dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách có ký hợp đồng nhượng quyền.
Còn lại các hãng công nghệ như BeCar, GrabCar phải lên tầng 3, 4 và 5 trong nhà xe TCP để đón khách.
Các hãng xe xe công nghệ cho rằng sự việc triển khai phân chia làn đón khách như trên gây khó khăn cho tài xế và khách hàng.
Trong khi đó, phía Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng việc phân chia làn làm giảm ách tắc giao thông như hiện nay là hợp lý, bình đẳng trong kinh doanh vận tải trong sân bay.
|
Làn B sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng sau khi phân luồng.
|
Sở Giao thông Vận tải phân xử
Liên quan đến những lùm xùm nói trên, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Hiệp hội taxi TP, Công ty TNHH Grab, Công ty Cổ phần Be Group yêu cầu tăng cường công tác phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Sở GTVT TP đánh giá, sau khi thực hiện điều chỉnh, phân làn ô tô đón, trả hành khách trong khu vực đường nội bộ của sân bay Tân Sơn Nhất, tình hình giao thông tại đây có cải thiện.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hành khách đón xe, Sở này đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị liên quan (trong đó có đơn vị quản lý nhà giữ xe TCP) có hình thức hướng dẫn, tuyên truyền việc bố trí, sắp xếp vị trí đón khách để người dân biết. Bổ sung thêm thang máy (hiện nay chỉ có 2 thang máy) phục vụ hành khách di chuyển lên các khu vực đón xe (các tầng 1, 2, 3) trong tòa nhà TCP.
|
Còn Làn A (trong cùng) của nhà ga đi quốc nội chỉ dành để đưa khách đi máy bay. |
Đối với khu vực đón khách bố trí tại các tầng của nhà giữ xe TCP: bố trí đủ ghế ngồi; không cho đậu xe tại khu vực tiếp cận để đảm bảo thông thoáng; bố trí thêm các tiện ích tại khu vực đón khách.
Đồng thời, Sở GTVT TP đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm túc phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên các đường nội bộ sân bay và phương án bố trí đón trả khách cho các phương tiện kinh doanh vận tải tại sân bay.
Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sớm nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu bộ hành hoặc đường hầm kết nối giữa nhà ga quốc nội và nhà giữ xe TCP để giải quyết giao cắt giữa người đi bộ và dòng xe di chuyển trên các làn A, B, C, D nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ và giảm ùn tắc giao thông.
Hành khách nói bất tiện….
Mặc dù Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng chính thức về vụ việc, tuy nhiên, trưa nay (19/11), chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chị N.H.N. (42 tuổi, ngụ đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết không phục, việc phân làn đúng là có giảm ùn tắc nhưng lại vô cùng bất tiện cho hành khách.
|
Khu vực thang máy luôn trong tình trạng kẹt cứng, với những hành khách đang vội, họ buộc phải vác hành lý đi bằng thang bộ. |
“Để đi được thang máy từ tầng 1 lên tầng 4 là cả một vấn đề, mất quá nhiều thời gian để di chuyển. Nếu trước đó đã phải bay một chuyến bay dài và mệt, tôi tin, không ai mong muốn mình phải trải qua cảm giác này”, chị N.H.N. nói.
Tương tự, anh T.A.M. (36 tuổi, ngụ đường Vườn Chuối, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng tỏ rõ thái độ không hài lòng với việc phân làn.
“Nếu so với lần trước đến đây, tôi thấy đúng là đã thông thoáng và giảm ùn tắc, nhưng lại quá bất tiện khi bắt xe, đó là chưa kể tháng máy luôn trong tình trạng bị kẹt cứng, mọi người phải vác hành lý đi thang bộ lên tận lầu 4, lầu 5. Tại sao không cho chúng tôi bắt xe ở tầng trệt, tại sao lại phân làn ngược ngạo như thế này”, anh T.A.M. bức xúc.
Mồ hôi nhuễ nhại anh L.T.K. (47 tuổi, quê Cần Thơ) cho biết, anh bay từ Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh chỉ mất 40 phút, nhưng anh lại mất hơn 1 tiếng đồng hồ để bắt được xe từ sân bay về khách sạn.
“Tôi chọn đi máy bay để việc di chuyển được nhanh chóng, nhưng cuối cùng lại mất quá nhiều thời gian chỉ để bắt xe rời khỏi sân bay, điều này thật không hợp lý tý nào”, L.T.K. cho hay.
|
Khách chật vật mang hành lý từ tầng trệt lên tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP để đón xe công nghệ nhưng phải đứng chờ vì không đủ ghế ngồi, chưa kể không khí nóng bức khó chịu. |
Đồng tình với ý kiến của anh L.T.K., chị N.M.T. (31 tuổi, ngụ đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chị không phản đối mục mục đích phân làn nhằm giảm kẹt, nhưng không hài lòng khi hành khách phải leo lầu cao để đón xe công nghệ.
“Tất nhiên khi đẩy hết hành khách lên lầu 3,4,5 thì bên dưới sẽ giảm kẹt, sao không ai lên trên xem thử hành khách chúng tôi đã phải vất vả thế nào chỉ để bắt được xe. Nếu đã nghĩ tới chuyển xe công nghệ lên lầu thì đầu tư thang cuốn hoặc là thang chuyển hành lý chuyên dụng. Làm được đi rồi hãy nghĩ đến chuyện phân làn”, chị N.M.T. kiên quyết.
Trong khi đó, hầu hết các tài xế lái xe công nghệ cũng thống nhất là việc đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất sau khi có quyết định phân làn trở nên khó khăn hơn.
“Khoan bàn đến việc xe công nghệ có bị đối xử bất công hay không? Vì nếu không đón khách ở sân bay, chúng tôi vẫn còn nhiều lựa chọn đón khách ở nơi khác. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, khách hàng muốn được chúng tôi phục vụ. Họ chọn sử dụng xe công nghệ, chúng tôi không thể bỏ khách hàng của mình, nhưng lại quá mệt mỏi vì việc phân làn khiến mất nhiều thời gian để đón khách", một tài xế đang chạy GrabCar chia sẻ.
Cũng theo tài xế này, mọi quyết định thay đổi đều là để phục vụ hành khách tốt nhất. Nếu hành khách than vãn, hành khách không hài lòng thì cần phải xem lại cách phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất.