Sở GTVT cho biết, đơn vị đang xây dựng dự thảo nghị quyết quy định về lộ trình chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụng năng lượng điện. Dự thảo này sẽ sớm được trình lên UBND TP để xin ý kiến và trình lên HĐND TP trong kỳ họp sắp tới.
Theo đề xuất của Sở GTVT về chuyển đổi phương tiện giai đoạn 2025-2029, các tuyến xe buýt sử dụng khí CNG và diesel sẽ tiếp tục hoạt động đến khi hết hợp đồng hiện tại.
Sau đó, xe buýt quá 15 năm sẽ được thay thế bằng xe buýt điện. Những xe còn lại sẽ được tiếp tục sử dụng nhưng phải đảm bảo không quá 15 năm kể từ thời điểm đưa vào khai thác.
Xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel vẫn sẽ được tiếp tục hoạt động đến năm 2029. Tuy nhiên, TP sẽ tiến hành chuyển đổi dần sang xe buýt điện. Cụ thể, từ năm 2025, các tuyến xe buýt sử dụng diesel sẽ tiếp tục hoạt động nhưng những xe đã hoạt động từ 10-15 năm sẽ được ưu tiên thay thế.
Từ năm 2027, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu chuyển đổi sang xe buýt điện, ưu tiên các tuyến đã hết hợp đồng hoặc các xe đã quá cũ.
Đến năm 2030, các tuyến xe buýt hết thời gian hợp đồng vào cuối năm 2029 sẽ chuyển hoàn toàn sang xe buýt điện.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2025 trở đi, các tuyến xe buýt mở mới sẽ sử dụng 100% bằng xe điện và đến năm 2030, 100% xe buýt tại TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện và trạm nạp khí CNG.
Trong đó, trong giai đoạn 2025 - 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 25 trạm sạc điện với 269 trụ sạc tại các bến xe và bãi đỗ xe công cộng.
Đồng thời, trong hai năm 2025 - 2026, TP cũng sẽ xây dựng 3 trạm nạp khí CNG tại các bến xe lớn như Ngã Tư Ga, quận 8 và Miền Đông mới.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ lãi suất vay với các đơn vị vay vốn từ Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh để thực hiện dự án đầu tư chuyển đổi phương tiện.
Việt Hùng