TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng nâng cấp quốc lộ 22

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) đang trong tình trạng quá tải nên việc đầu tư cải tạo, nâng cấp là cấp thiết. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai dự án này trong quý I/2026 với tổng vốn hơn 10.424 tỷ đồng.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 theo phương thức đối tác công tư (BOT). Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.424 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thực hiện các dự án thành phần.

Cụ thể, dự án thành phần 1: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 trên địa bàn huyện Hóc Môn tổng mức đầu tư khoảng 6.227 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2: di dời hạ tầng phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 trên địa bàn quận 12 tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.

TP Ho Chi Minh se dau tu hon 10.000 ty dong nang cap quoc lo 22 - Hinh anh 1
Quốc lộ 22 ngày càng quá tải. Ảnh Việt Hùng

Dự án thành phần 3: đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) theo phương thức BOT, tổng mức đầu tư khoảng 4.190 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức BOT.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Công chánh lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định của pháp luật có liên quan đảm bảo tiến độ.

Đồng thời, Sở Giao thông Công chánh cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh thuê đơn vị tư vấn thực hiện quản lý, giám sát chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, giám sát chất lượng sản phẩm, dịch vụ công (nếu cần thiết) theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Cũng với đó, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án (quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công; lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư…); tham mưu UBND TP Hồ chí Minh cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách để triển khai thực hiện dự án theo tiến độ.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính là cơ quan Thường trực HĐND thẩm định cấp cơ sở của dự án và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng tham mưu về hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan đến dự án; kịp thời hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (liên quan đến chi phí, chất lượng xây dựng công trình; định mức, đơn giá xây dựng công trình; vật liệu xây dựng).

Cùng với đó, Sở Xây dựng còn có trách nhiệm tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, kiến trúc của dự án, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh về cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.

Các địa phương có dự án đi qua bao gồm: huyện Hóc Môn và quận 12 chủ động phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đúng quy định và tiến độ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là chủ đầu tư dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Việt Hùng

Tin liên quan