Muôn kiểu “nhốn nháo"
Sau nhiều đợt đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, quyết liệt với hành vi lấn chiếm vỉa hè, ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội, vỉa hè đã thông thoáng, sạch đẹp.
Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian đầu, sau đâu lại vào đấy. Trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe trái phép gây ra không ít khó khăn cho người đi bộ. Bên cạnh đó, các quán ăn, quán cà phê sử dụng vỉa hè để bày bàn ghế và làm chỗ để xe của khách hàng khiến người đi bộ bị "đẩy" xuống lòng đường.
Chị Nguyễn Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi đi bộ ra điểm chờ xe buýt, tôi thường phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị chiếm dụng. Ô tô dàn hàng trên vỉa hè nên người đi bộ di chuyển rất khó khăn. Nhiều khi thót tim vì suýt bị xe tông trúng nhưng cũng không có cách nào khác".
Cảnh lấn chiếm lề đường, vỉa hè tiếp tục diễn ra như “cơm bữa”, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính những người trong cuộc và cả người đi đường. Theo các chuyên gia về giao thông, việc sử dụng một phần vỉa hè vốn là không gian công cộng cho hoạt động kinh doanh, phục vụ mục đích cá nhân không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Qua thời gian, những hoạt động này đã trở thành quen thuộc trên phố phường.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ: “Vỉa hè là bộ phận của đường giao thông với chức năng chính là phục vụ người đi bộ, đi xe đạp. Đồng thời phục vụ nhu cầu tiếp cận với các công trình hai bên tuyến, bố trí hạ tầng kỹ thuật đô thị, cây xanh và các tiện ích đô thị. Trên vỉa hè được phép đặt các tiện ích đô thị, phục vụ người dân như trạm dừng xe buýt, băng ghế cho người đi bộ ngồi nghỉ chân…
Tuy nhiên nhiều khu vực vỉa hè của Hà Nội hiện đang sử dụng sai mục đích”. Chia sẻ về lý do người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi dừng đỗ xe, hay thậm chí là trông giữ phương tiện, ông Đào Ngọc nghiêm cho rằng: “Khó nhất hiện nay là chỗ đỗ xe dành cho người dân trong quá trình giao tiếp đời sống quá ít. Các khu vực được dừng đỗ cũng khó nhận biết”.
Hiện nay, diện tích đất của TP Hà Nội dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ô tô, và trên 3% đối với xe máy. Chính vì vậy, một lượng lớn xe đang đỗ tại các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè…
Người dân không sử dụng vỉa hè đúng mục đích, thường xuyên dừng đỗ đã và đang để lại những hỏng hóc, xuống cấp về chất lượng vỉa hè, ảnh hưởng đến người đi bộ và các hoạt động công cộng của Nhân dân.
Quy hoạch cụ thể
Theo Khoản 1, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, “lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông”. Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm theo Khoản 3, Điều 8 Luật này. Bên cạnh đó, Điều 12, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định rõ các mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Có thể thấy, mặc dù quy định pháp luật đã có, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý, tuy nhiên phần vỉa hè vốn là không gian công cộng dành cho việc đi lại của mọi người không sử dụng phương tiện cơ giới vẫn bị “xâm phạm”.
Tại Hà Nội hiện nay có gần 1.200 các tuyến đường, phố có vỉa hè. Qua lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, có những vỉa hè chỉ 1,5m, những khu vực vỉa hè rộng từ 3m đến 5m. Vì vậy, cần phải phân loại, xác định quy mô vỉa hè để có ứng dụng hợp lý. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, quy chế kiến trúc không chỉ áp dụng đồng loạt toàn TP, mà còn cần quy chế cho từng phân khu. Với một số tuyến phố đặc thù, các trục chính của TP và những tuyến có mang dấu ấn sự kiện văn hóa… cần phải có thiết kế đô thị để tạo khung pháp lý chặt chẽ.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu ý kiến: “Cần khẩn trương xây dựng và thực hiện quy hoạch các điểm trông giữ xe bảo đảm an toàn, trật tự, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu gửi xe, nhất là các khu vực đông dân cư. Các khu vực được quy hoạch, đủ điều kiện có thể tổ chức cho thuê vỉa hè, dưới sự quản lý chặt chẽ của lực lượng chức năng”.
Các đơn vị chuyên môn cần đánh giá việc thực hiện các quy định về quản lý lòng đường, hè phố để cấp phép tạm thời một phần lòng đường, hè phố trông giữ phương tiện. Đây cùng là bước siết chặt công tác quản lý, làm cơ sở xử lý các điểm trông giữ xe trên vỉa hè không được cấp phép, không bảo đảm an toàn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Riêng trong nội đô lịch sử, vỉa hè còn là một di sản của nhiều năm để lại, minh chứng của cả giai đoạn từ hòa bình lặp lại đến nay. Tuy nhiên chúng ta chưa khai thác hết lợi thế, phát huy giá trị của một di sản đô thị với các đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật”.
Với xu hướng xanh hóa giao thông, hạn chế phát thải ra môi trường, trên các không gian vỉa hè rộng, đủ điều kiện kỹ thuật, TP có thể nghiên cứu để thí điểm làm làn đường dành cho xe đạp. Việc dành một phần vỉa hè cho xe đạp cũng đã được nhiều TP lớn trên thế giới thực hiện, vừa khuyến khích người dân đi xe đạp, vừa tạo nên một TP xanh, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, việc hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng là một giải pháp để bảo vệ không gian vỉa hè cho người dân Thủ đô.
Mặt khác, để bảo đảm không gian vỉa hè cho người đi bộ, các lực lượng chức năng không thể lơi là công tác quản lý, xử phạt đối với các vi phạm diễn ra hàng ngày như dừng đỗ, trông giữ xe trái phép… Để thiết lập trật tự vỉa hè đi vào lâu dài, hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên, liên tục và duy trì kết quả một cách bền vững.
Về lâu dài, cần một giải pháp tổng thể cho hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội. Không thể áp dụng một giải pháp chung cho tất cả mà phải phân chia thành nhiều khu vực. Đối với khu vực hạn chế phát triển, TP cần hạn chế đỗ xe, có thể áp dụng phí đỗ xe cao.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
|
Ngọc Trang