Trạm thu phí bỏ hoang và nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hết thời gian thu phí, chủ đầu tư rút đi nhưng lại “quên” không tháo dỡ khiến cho những trạm thu phí bỏ hoang trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông với không ít vụ tai nạn chết người xảy ra.

Tram thu phi bo hoang va noi am anh cua nguoi tham gia giao thong - Hinh anh 1

 Trạm thu phí Bỉm Sơn dừng hoạt động từ năm 2017 và bị bỏ hoang từ đó đến nay. Ảnh: Hữu Dụng

Những chiếc bẫy sừng sững giữa đường

Ngày 27/4/2021, tài xế Nguyễn Xuân Trường (SN 1979, trú tại xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), điều khiển xe tải BKS 17C – 10537, lưu thông trên QL1A theo hướng Nam – Bắc. Trên xe tải chở theo hàng chục tấn dưa hấu, vừa được lấy từ các tỉnh phía Nam với mục đích chở ra Bắc để bán. Đến 0 giờ 30 ngày 28/4/2021, chiếc xe tải do anh Trường điều khiển đi tới địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh thì bất ngờ đâm thẳng vào các trụ ngăn cách ở trạm thu phí Cầu Rác rồi lật nằm ngang đường, đầu biến dạng. Tại hiện trường, đầu xe bẹp nát, bánh găm vào các cột bê tông của trạm, nhiều dải phân cách cứng bị xô nghiêng. Khoảng vài chục kg dưa hấu ở phía sau thùng tràn ra ngoài, xung quanh vệt dầu loang lổ. Tài xế Trường may mắn thoát nạn khi chỉ bị trầy xước ngoài da nhưng lúc mở cửa buồng lái bước ra khỏi chiếc xe gặp nạn, anh này vẫn chưa hết cảm giác choáng váng, kinh hãi.

 

Tram thu phi bo hoang va noi am anh cua nguoi tham gia giao thong - Hinh anh 2
Hiện trường vụ tai nạn tại trạm thu phí Cầu Rác khi xe tải chở dưa hấu đâm vào trụ bê tông của trạm. Ảnh: Hùng Lê

Trước đó, vào khoảng 21 giờ 45 phút ngày 22/4, tại khu vực trạm thu phí cầu Đồng Nai (QL1, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng làm 1 người tử vong. Nạn nhân là anh Rah Lan Ngoel (21 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) điều khiển xe máy lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh, khi đến trạm thu phí cầu Đồng Nai đã tông vào “mũi tàu” bê tông phân luồng qua trạm thu phí. Cú va chạm mạnh đã làm nạn nhân văng đập vào cabin thu phí tử vong tại chỗ.

Tương tự, Trạm thu phí Bỉm Sơn đặt tại Km286+397, QL1A, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã dừng hoạt động từ ngày 10/8/2017 và bị bỏ hoang từ đó đến nay không được tháo dỡ. Sau nhiều năm bỏ hoang giữa quốc lộ, các hạng mục của trạm thu phí đều bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hệ thống các cabin thu phí cửa đóng, then cài phủ đầy bụi. Trạm thu phí bỏ hoang này chẳng khác nào một chiếc bẫy giăng ra để bẫy người đi đường khi nơi đây ghi nhận không ít vụ TNGT nghiêm trọng. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào lúc 8 giờ 10 phút ngày 19/12/2019 khi xe khách BKS 29B-112.15 do Mai Văn Hải (SN 1979, trú tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển lưu thông trên QL1A theo hướng Hà Nội - Thanh Hoá, khi đến trạm thu phí Bỉm Sơn bất ngờ leo lên dải phân cách, tông vào cabin của trạm. Vụ tai nạn khiến tài xế Hải bị thương nặng, một số hành khách trên xe bị xây xước nhẹ. Phần đầu ô tô khách và cabin Trạm thu phí bị hư hỏng nặng.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm “dọn dẹp hiện trường”

Được biết, trong các hợp đồng BOT trước đây, khi xây dựng hợp đồng không có chủ trương dừng thu phí. Khi dừng thu phí của chủ đầu tư thì trạm đó và mọi tài sản chuyển giao cho Nhà nước nên không xác định việc tháo dỡ trạm. Khi chuyển sang thực hiện Luật Đường bộ, đặc biệt là Nghị định liên quan việc giảm phí chồng phí, thì khi tạm dừng trạm thu phí và chuyển giao cho Nhà nước thì Nhà nước có trách nhiệm tháo dỡ. Tuy nhiên, việc chuyển giao này tương đối phức tạp. Cụ thể, đầu tiên khi trạm thu phí chuyển từ doanh nghiệp BOT về Nhà nước bắt buộc phải có quyết định của Bộ Tài chính xác định công trình thuộc sở hữu toàn dân. Sau đó, Bộ GTVT mới có thể đưa ra các quyết định liên quan đến việc tháo dỡ trạm. Do trình tự, thủ tục tương đối phức tạp nên để có thể tháo dỡ một trạm thu phí hết thời hạn hoạt động cũng mất khá nhiều thời gian. Đơn cử như Trạm BOT hầm Đèo Ngang, từ khi theo quy định. Như Trạm thu phí BOT hầm Đèo Ngang trước đây cũng vậy, từ khi bàn giao đến khi tháo dỡ trạm cũng mất từ 2 - 3 năm làm thủ tục.

 

Tram thu phi bo hoang va noi am anh cua nguoi tham gia giao thong - Hinh anh 3

Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai cũng đang bị  bỏ không sau khi tạm dừng hoạt động.

Ảnh: Vĩnh Phú 

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tất cả những trạm thu phí hết thời hạn thu đều phải sớm dỡ bỏ để đảm bảo ATGT cho người đi đường. “Trạm thu phí khi hoạt động sẽ có nhân viên, có hệ thống đèn báo, hướng dẫn các phương tiện nên đảm bảo được ATGT. Nhưng khi không hoạt động nữa, nhân viên rút đi và hệ thống tín hiệu, đèn báo bị hư hỏng, những trạm thu phí bỏ hoang thật sự là hiểm họa đối với người đi đường” – ông Nguyễn Văn Thanh nói. Chuyên gia giao thông này cho rằng, việc tháo dỡ các trạm thu phí bỏ hoang để đảm bảo ATGT cũng như bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông là vấn đề cấp bách và phải làm ngay, không thể để mọi chuyện rề rà và mất thời gian như vậy được. “Để tháo dỡ một trạm thu phí ngừng hoạt động mà mất tới tận 2-3 năm là quá chậm chạp. Trong thời gian ấy đã có bao nhiêu vụ tai nạn đã xảy ra ở trạm thu phí bỏ hoang đó?” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu thủ tục chuyển giao trạm thu phí dừng hoạt động từ DN về cho Nhà nước mất thời gian như thế thì nên chăng chúng ta cần sửa lại quy định, thay vì Nhà nước chịu trách nhiệm tháo dỡ các trạm thu phí, hãy để cho chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy vừa đỡ mất một khoảng thời gian tiêu tốn với các trình tự, thủ tục chuyển giao, vừa ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án BOT giao thông. “Các trạm thu phí do chính các chủ đầu tư xây lên để thu tiền. Vậy tại sao khi hết thời hạn thu phí họ lại không phải là đơn vị phải tháo dỡ trạm đó. Trách nhiệm “dọn dẹp hiện trường” phải thuộc về DN chứ không phải của Nhà nước bởi một khi DN đã thu lợi đủ ở dự án thì họ cũng phải dọn dẹp sạch sẽ rồi mới được rời đi” – chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

 

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h