Trạm thu phí BOT cố tình tạo ùn tắc để khỏi xả trạm dịp Tết, xử lý được không?

 
Chia sẻ

Theo quy định, trạm BOT phải xả trạm nếu ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên thực tế việc chấp hành quy định này trong thời gian qua đang khiến người dân lo ngại, rất có thể khả năng ùn tắc mà không xả trạm sẽ vẫn xảy ra trong dịp Tết năm nay.

Tram thu phi BOT co tinh tao un tac de khoi xa tram dip Tet, xu ly duoc khong?  - Hinh anh 1
Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên VOVGT, hầu hết các doanh nghiệp BOT tại các tuyến đường cửa ngõ như: Pháp Vân- Cầu Giẽ, Cầu Giẽ- Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Lào Cai… đều khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc quy định xả trạm khi xảy ra ùn tắc dòng xe từ 700m đến 1km để phục vụ người tham gia giao thông khi nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho rằng đây cũng là động lực để thúc đẩy các nhà đầu tư BOT nâng cao dịch vụ của mình: "Ví dụ như VEC thì các phương án phân luồng từ xa phải chuẩn bị trước để khi theo dõi lưu lượng giao thông nó tăng là phải có việc phân luồng từ xa hoặc tại các trạm thu phí, dùng các biện pháp để làm sao thoát xe nhất có thể."

Tuy vậy, theo ghi nhận của phóng viên VOVGT cũng như phản ánh của một số thính giả, có tình trạng trạm BOT “né” việc thực hiện quy định xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài bằng cách cố tình tạo ra điểm ùn tắc phía trước trạm.


Về điều này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, tất cả các Cục, chi Cục quản lý đường bộ sẽ phải trực trong dịp cao điểm trước và sau tết, tiến hành thanh tra chuyên ngành trực tại các trạm thu phí BOT để giám sát việc thực hiện cũng như xử lý các trường hợp cố tìm tạo ùn tắc giả trước khu vực trạm: "Cái đó tất cả lực lượng thanh tra chuyên ngành sẽ điều tiết và không để các trường hợp xảy ra cản trở trước và sau trạm để bà con đi lại thuận tiện hơn. Còn trường hợp nào xe cố tình thì các lực lượng sẽ đưa vào lề đường xử lý."

Nói về các giải pháp của cơ quan quản lý nhằm giám sát các doanh nghiệp BOT thực hiện việc xả trạm, luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Văn phòng Luật sư Basico (Hà Nội) cho hay, quan trọng nhất là việc giám sát thực tế của lực lượng chức năng để ghi nhận bằng chứng các trường hợp cố tình tạo ùn tắc giả thì mới có căn cứ xử lý: "Anh phải có camera, anh phải có lực lượng thường trực để biết việc đó, còn sau này nếu chỉ nghe nói tắc, không xả thì đừng có xử lý tôi, vì bằng chứng đâu. Phải có lập biên bản, phải có bằng chứng, phải có gì ghi nhận chứ."

Các ý kiến cũng cho rằng, kinh nghiệm từ các đợt cao điểm nghỉ lễ, tết trước đây, một số trường hợp ùn tắc tại khu vực trước và sau trạm thu phí nhưng cơ quan chức năng khó xử lý doanh nghiệp BOT về hành vi né việc xả trạm, cơ quan quản lý cần có sự giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sự cố gây cản trở giao thông nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đồng thời có cơ sở xử lý doanh nghiệp BOT không chấp hành quy định xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài.

Theo VOV Giao thông

Tin liên quan