Tuyến cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng: Sắp thoát cảnh ùn tắc

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự kiến tháng 6 tới, đoạn tuyến dưới thấp, dự án Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng sẽ hoàn thiện và thông xe, giảm thiểu đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông. Đoạn tuyến trên cao của dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Đạt tiến độ tốt
Dự án Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở được khởi công xây dựng song song cả đường trên cao và dưới thấp; trong đó, đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã được đưa vào khai thác từ tháng 11/2020. Toàn bộ dự án có gần 3.300 hộ dân, tổ chức thuộc diện phải giải phóng mặt bằng (GPMB). Dù khối lượng rất lớn nhưng tính từ thời điểm khởi công tháng 4/2018 đến nay, dự án đã gần như hoàn thành công tác GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Hiện chỉ còn một vài vị trí vướng mắc nhỏ về GPMB.
Về thi công, hiện 7/16 gói thầu của dự án đã hoàn thành, 9 gói thầu đang được tiếp tục triển khai. Phó Giám đốc Công ty Trung Chính (đại diện liên danh nhà thầu dự án) Trần Văn Giầu cho hay, tháng 6 tới có thể thông toàn bộ đoạn tuyến dưới thấp, đưa vào sử dụng để Nhân dân đi lại thuận tiện, giảm thiểu UTGT đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Hiện liên danh nhà thầu đang triển khai đồng thời hai gói thầu xây lắp số 1 và 2, thi công đường trên cao. Trong đó, gói số 1 đã triển khai được khoảng 40%, đúc xong 15/40 nhịp dầm; gói số 2 đang thi công cọc khoan nhồi. Dự kiến đoạn tuyến trên cao sẽ hoàn thành vào năm 2023, kết thúc dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ toàn tuyến từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
 Còn theo ông Lê Gia Hưng - Ban QLDA giao thông 2, Bộ GTVT - đơn vị Tư vấn, giám sát dự án, trong điều kiện vừa phải thi công, vừa đảm bảo lưu thông, ATGT trên tuyến đường đông đúc như Vành đai 2, chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực. " Với công nghệ đúc dầm trên không bằng đà giáo di động lần đầu được triển khai ở Việt Nam, không chỉ tiến độ dự án được đẩy nhanh mà các yếu tố kỹ thuật, mỹ quan cũng được đảm bảo ở mức độ cao nhất” - ông Lê Gia Hưng khẳng định.
 Còn vướng mắc
 Đại diện liên danh nhà thầu dự án cho hay, bên cạnh những kết quả tích cực, dự án cũng còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ sớm để tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung. Cụ thể, hiện vẫn còn 3 vị trí chưa hoàn thành GPMB, chưa bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu. Đoạn từ cầu Mai Động - Chợ Mơ hiện còn khu đất của đền Linh Quang Từ - Cô Quế tại địa chỉ số 195 phố Minh Khai; có một phần diện tích (46,4m2) nằm trong chỉ giới GPMB chưa được bàn giao. Do đó các đơn vị chưa thể tổ chức thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công và thông xe của dự án. Đoạn từ Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng còn hai trường hợp là: Trung tâm Y tế phường Trương Định, số 18 ngõ Tân Lạc, Đại La và nhà số 137B Đại La. Các vướng mắc này ảnh hưởng đến phạm vi thi công hạng mục hạ tầng kỹ thuật như rãnh thu nước thải, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng...
 Ngoài ra còn có các công trình ngầm nổi của 17 đơn vị đang chờ được di dời, sắp xếp, nhất là các vị trí: Vỉa hè phố Vọng, cầu Mai Động... Theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt, phần đường thuộc dự án Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hào cáp, cống bể chính dọc hai bên tuyến. Để hạ ngầm được hệ thống cáp thông tin còn cần có hệ thống Ganivo phụ trợ, kết nối từ hệ thống ga chính vào các hộ dân dọc hai bên tuyến. Hệ thống này cần thi công đồng bộ với phần vỉa hè của dự án, nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình và tổng thể hạ tầng khu vực. “TP cần sớm lựa chọn đơn vị xây dựng hạ tầng cống bể phụ đường Vành đai 2, đoạn Mai Động - Giải Phóng, để hạ ngầm, liên thông các tuyến đường phố và phối hợp thi công đồng bộ với các hạng mục dự án” - ông Trần Văn Giầu kiến nghị.

Giá bồi thường, hỗ trợ GPMB của dự án được tính từ thời điểm năm 2013. Đến nay chi phí GPMB thực tế đã đội lên rất nhiều, dẫn đến tình trạng, dù chi phí cho các gói thầu thi công giảm mà tổng mức đầu tư dự án vẫn tăng. TP Hà Nội cần xem xét, phối hợp với chủ đầu tư cân nhắc, điều chỉnh.

Ông Lê Gia Hưng - Ban QLDA giao thông 2, Bộ GTVT

Hải Phương

Tin liên quan