Vấn nạn “xe vua” lộng hành: Giải pháp nào xử lý?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tình trạng xe khách lòng vòng bắt khách quanh khu vực cổng các bến xe để chèo kéo bắt khách đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. Trước thực tế này, mới đây, Bộ Công an vừa có chỉ đạo khẩn yêu cầu công an các tỉnh, TP xử lý nghiêm vấn nạn này.

Van nan “xe vua” long hanh: Giai phap nao xu ly? - Hinh anh 1
Xe hợp đồng trá hình trả khách trên đường Giải Phóng ngày mùng 4 Tết. Ảnh: Quý Nguyễn

Chuyện không mới

Trục đường Phạm Hùng, đoạn qua cổng Bến xe Mỹ Đình được giới xe ôm đặt cho một biệt danh rất kêu: "Thiên đường của đoàn xe rùa bò". Nói như vậy để thấy tình trạng xe khách cố tình lởn vởn bắt khách trên trục đường Phạm Hùng phổ biến như thế nào. Đoạn tuyến kéo dài chưa đầy 5km, từ nút giao Phạm Hùng – Mễ Trì – Dương Đình Nghệ đến nút giao Xuân Thủy – Phạm Hùng – Hồ Tùng Mậu nhưng có tới hàng chục “bến cóc di động” hoạt động. Không ít đợt ra quân của lực lượng chức năng TP Hà Nội nhưng tình trạng trên vẫn chưa thể xử lý dứt điểm và vẫn trở thành vấn nạn nhức nhối của ngành GTVT Thủ đô.

Không chỉ Bến xe Mỹ Đình, trên trục đường Giải Phóng – Ngọc Hồi, nơi án ngữ của hai bến xe lớn phía Nam của Hà Nội là Bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, tình trạng cũng không khá hơn. Tại khu vực trước cổng Bến xe Giáp Bát, cộng đồng tài xế xe ôm ở đây có một câu chuyện truyền tai nhau về “tập đoàn xe vua” với tiếng tăm lừng lẫy. Đó là những xe khách mang BKS của các tỉnh khu IV cũ là Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa. 

Trong nhiều ngày theo dõi tại khu vực cổng Bến xe Giáp Bát, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận nhiều xe khách cố tình đi chậm, lòng vòng quanh khu vực cổng bến. Thậm chí dừng đón khách ngay tại cổng bến xe nhưng không có bất cứ lực lượng chức năng nào xử lý; dù cho có thời điểm cổng Bến xe Giáp Bát vẫn có sự hiện diện của lực lượng chức năng. Những trường hợp “xe vua” được phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bắt gặp và ghi lại có những xe mang BKS: 36B – 025.78 và 36B – 019.87, 36B – 026.73 (của nhà xe Tùng Lâm); xe mang BKS: 18B – 010.11; 18B – 019.62; 18B – 011.53; 35B – 003.23; 35B – 000.58; 35H – 1015; 35B – 000.91… 

Ngày 29/1 (tức mùng 5 Tết Canh Tý), Bộ Công an đã có Công điện yêu cầu công an các tỉnh, TP triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng ngừa, giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội; tập trung tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông và TNGT. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an và phương án của Cục CSGT về phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội; nắm tình hình hoạt động, lưu lượng hoạt động của phương tiện (kể cả tại các trạm thu phí, của ngõ ra vào các TP lớn, nơi diễn ra các lễ hội đầu Xuân) để bổ sung các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình.

Đặc biệt, Bộ Công an nhấn mạnh, đối với các trường hợp không chấp hành, cản trở giao thông, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương phải xử lý dứt điểm, phạt tình tiết tăng nặng, không để xảy ra ùn tắc giao thông và phức tạp tình hình. Theo như tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, hy vọng “đoàn xe rùa bò” trước cổng Bến xe Mỹ Đình và “tập đoàn xe vua” trước cổng Bến xe Giáp Bát sẽ bị xử lý.

Do thói tùy tiện?

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều 30/1, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho biết, giao thông ở Việt Nam nói chung và giao thông Hà Nội nói riêng có một đặc tính quan trọng là không có tính dự trữ. Do đó, khi mật độ dồn lại nhanh và gấp sẽ gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, khi chủ động cho người dân nghỉ Tết sớm hoặc có phương án giãn cách thời gian nghỉ giữa những thành phần lao động trong xã hội thì tình trạng ùn tắc sẽ được giảm một cách đáng kể. “Khi cho người dân nghỉ sớm, nhiều người chủ động về quê trước, lưu lượng người dân tham gia giao thông sẽ được dàn đều ra, mật độ tập trung ít và giao thông sẽ thông thoáng hơn” – ông Thạch nói.

Về tình trạng xe khách chạy lòng vòng quanh cổng bến xe hoặc cố tình dừng đỗ trước cổng bến để bắt khách gây cản trở giao thông, Vụ trưởng Vụ ATGT nhận định, đây là hiện tượng bắt nguồn từ hai phía: Một là phía các nhà xe; hai là phía từ chính những người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khác liên tỉnh. “Nhiều người hay có tính tùy tiện, không muốn vào bến mà muốn bắt xe dọc đường. Ngoài ra, giờ có các xe loại limousine là loại 16 chỗ nhưng được hoán cải xuống thành 8 - 9 chỗ, đến tận nhà đón, gây ùn tắc giao thông” – ông Thạch nói. Bên cạnh đó, tình trạng xe khách, xe limousine cũng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng trên mới đang phổ biến.

Phải thừa nhận là các bến xe của Hà Nội năm nay thoáng hơn mọi năm nhưng tình trạng xe khách đón khách dọc đường hay xe limousine lượn lờ các phố phổ biến hơn. Đây là tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm trước, còn năm Canh Tý 2020, tình trạng trên tiếp tục tái diễn nhưng không đến mức nghiêm trọng. Năm nay, bức tranh giao thông kỳ nghỉ Tết nói chung và vấn đề vận tải hành khách, tình trạng tai nạn giao thông là tương đối tích cực.

Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thạch 

Quý Nguyễn

Tin liên quan