Vì sao đề xuất xây mới nhà ga sân bay Đồng Hới của ACV không được thông qua?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đề xuất xây mới nhà ga sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã không được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp thông qua.

Vi sao de xuat xay moi nha ga san bay Dong Hoi cua ACV khong duoc thong qua? - Hinh anh 1
 ACV muốn sử dụng hơn 1.200 tỷ đồng để xây nhà ga T2 cho sân bay Đồng Hới.
Ảnh: Lê Thanh

Đề xuất xây nhà ga nghìn tỷ

Cuối tháng 5/2021, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bất ngờ đưa ra đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T2 cho Cảng Hàng không (CHK) Đồng Hới. Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Đề xuất của ACV đưa ra trong bối cảnh ngành Hàng không đang bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các DN hàng không.

Theo để xuất của ACV, nhà ga hành khách T2 có diện tích 1,136 ha. Sân đỗ ô tô trước nhà ga T2 và các công trình phụ trợ 19,784 ha. Diện tích khu đất ACV đề xuất nằm trong quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 1491 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy hoạch CHK Đồng Hới giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.222 tỉ đồng và toàn bộ số tiền này đều lấy từ vốn của ACV.

Tại thời điểm đề xuất của ACV được đưa ra, nhà ga hành khách của CHK Đồng Hới hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2008 được thiết kế với lưu lượng theo thiết kế khoảng 500.000 khách/năm.

Đề xuất của ACV nhận được sự đồng thuận của Cục Hàng không Việt Nam. Cơ quan này cho rằng, đây là dự án cần thiết đầu tư bởi nhà ga hành khách hiện tại của CHK Đồng Hới đang khai thác vượt công suất thiết kế (năm 2018 là 534.856 khách/năm, năm 2019 là 539.908 khách/năm).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc khai thác vượt công suất thiết kế, theo Cục Hàng không, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh an toàn tại cảng. Do đó, cần thiết đầu tư xây nhà ga T2 cho CHK Đồng Hới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khai thác tại sân bay này hiện tại và trong các giai đoạn tiếp theo.

Vi sao de xuat xay moi nha ga san bay Dong Hoi cua ACV khong duoc thong qua? - Hinh anh 2
 Sân bay Đồng Hới cũng như tất cả các CHK khác trên cả nước đang trong tình trạng vắng khách do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: Lê Anh

Chưa phải lúc đầu tư

Sau khi nhận được đề xuất của ACV, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức lên tiếng. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình liên quan đề xuất thực hiện dự án nhà ga hành khách T2 CHK Đồng Hới của ACV, “siêu ủy ban” cho nhận định, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ACV. Do đó, ACV đang thực hiện hiệu chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nguồn vốn tích luỹ để đầu tư trong kế hoạch đầu tư suy giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, “siêu ủy ban” cũng cho rằng, hiện nay ACV phải thực hiện giãn, hoãn hoặc dừng đầu tư các dự án khởi công mới, chuyển tiếp chưa thực sự cần thiết, các dự án không có khả năng thu hồi vốn để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm.

Theo đó, các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư hiện nay là CHK Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), mở rộng nhà ga T2 sân bay Nội Bài (Hà Nội), mở rộng sân bay Điện Biên… Sau khi triển khai dự án trọng điểm trên, ACV mới dùng nguồn lực cho các dự án khác, trong đó có dự án xây mới nhà ga T2 sân bay Đồng Hới.

Việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bác đề xuất xây nhà ga T2 sân bay Đồng Hới của ACV nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia. PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho biết, ngành hàng không đang bị thiệt hại nặng bởi Covid-19, do đó, ưu tiên lúc này là hỗ trợ các DN hàng không phục hồi sản xuất chứ không phải đầu tư xây mới sân bay hay xây mới nhà ga.

“Ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn, lại phải tập trung cho việc chống dịch và nhiều dự án trọng điểm khác. Riêng với ngành Hàng không, dự án CHK Quốc tế Long Thành chính là “siêu dự án” cần tập trung đầu tư nhất. Phải tập trung nguồn lực vào những dự án lớn chứ không phải đầu tư dàn trải” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.  

Tin liên quan