Chậm do mặt bằng vướng, vốn về chậm
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội được điều chỉnh với tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro (tương đương 32.910 tỷ đồng).
Dự án được Thủ tướng chính phủ quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ 2018 kéo dài đến 2022.
“Đây là dự án lớn, phức tạp và là dự án thí điểm về đường sắt đô thị tại Hà Nội. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục đặc biệt liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện Hợp đồng (EOT) và chi phí bổ sung do việc kéo dài thời gian thực hiện của các hợp đồng của dự án”- đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nhìn nhận.
|
Dự án đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội dự kiến khai thác trước đoạn tuyến trên cao vào tháng 4/2021 |
Cũng theo đơn vị này, quá trình thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, vướng mắc giao diện giữa các gói thầu dẫn đến hầu hết các hợp đồng đều phải kéo dài thời gian và các nhà thầu yêu cầu bổ sung chi phí theo quy định của Hợp đồng đã ký kết.
Trong đó nổi lên tình trạng giải phóng mặt bằng chậm, di dời các công trình ngầm nổi kéo dài. Việc quản lý trật tự đô thị không tốt, để người dân lấn chiếm chỉ giới, xây dựng nhà cửa công trình khiến việc xử lý khó khăn và kéo dài.
Theo tiến độ và hợp đồng, tất cả các gói thầu xây lắp đều thi công ngay khi được bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch. Thực tế, việc bàn giao mặt bằng chỉ được theo từng phần dẫn tới việc thi công khó khăn và tiến độ kéo dài so với kế hoạch ban đầu…
Công tác đầu thầu và lựa chọn nhà thầu tại dự án là đấu thầu quốc tế, ngoài việc phải thực hiện tuân thủ theo Luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ.
Thậm chí, một phần do kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện của các gói thầu.
Trong khi đó, các gói thầu của Dự án đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, sử dụng mẫu hợp đồng FIDIC.
Mẫu hợp đồng có đều có điều khoản 2.1 về “Quyền tiếp cận công trường” điều 8.4 về “Gia hạn thời gian hoàn thành” và điều 20.1 về “Khiếu nại của nhà thầu”.
Theo đó nhà thầu sẽ được phép gia hạn thời gian hoàn thành do các nguyên nhân không do lỗi của nhà thầu và nhà thầu được đền bù các chi phí thiệt hại do việc kéo dài thời gian.
Vì vậy, việc gia hạn thời gian là việc bình thường theo thông lệ quốc tế.
Bổ sung nhưng không làm tăng thêm tổng mức đầu tư
Ngoài ra, việc điều chỉnh tiến độ của dự án thực hiện hợp đồng cũng được quy định theo Luật tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết việc tính toán chi phí phát sinh khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng.
Ngoài kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng dự án, việc bổ sung chi phí do kéo dài gói gầu CP01 (tuyến đoạn trên cao của dự án) cũng là một trong những điều khoản mà hợp đồng FIDIC có quy định.
Theo đó, do dự án phát sinh thời gian, các nhà thầu quốc tế yêu cầu chủ đầu tư bổ sung chi phí.
Cụ thể, gói thầu xây lắp CP01 ký với Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc), thời gian thực hiện 30 tháng từ ngày khởi công (4/7/2014), tối đa sau 30 ngày kể từ ngày khởi công nhà thầu được quyền tiếp cận công trường.
Song, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời công trình, chủ đầu tư đã chậm bàn giao mặt bằng khoảng 18 tháng so với cam kết.
Cùng với vướng mắc khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thủ tục tạm ứng, gói thầu CP01 phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là 26,5 tháng.
Nhà thầu Daelim đã đề nghị phía Hà Nội bổ sung 19,1 triệu USD từ đầu năm 2018. Sau một thời gian dài đánh giá, tham vấn các đơn vị tư vấn, giá trị bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này được tạm chốt là 6,6 triệu USD, giảm 12,5 triệu USD so với kiến nghị của nhà thầu.
“Ban đang tiếp tục đàm phán với nhà thầu theo hướng, 2 bên sẽ tuân thủ giá trị bổ sung theo quyết định của Kiểm toán Nhà nước.
Hơn nữa, chi phí bổ sung nếu chi trả nhà thầu cũng được lấy từ chi phí dự phòng của gói thầu hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu của gói thầu nên không làm tăng dự toán gói thầu cũng như tổng mức đầu tư đã được UBND TP phê duyệt, nên không thể nói là đội vốn”- đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết.
Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đang xin ý kiến các bộ, ngành cơ quan chức năng hướng dẫn quy trình để bổ sung kinh phí cho nhà thầu như thế nào. Bởi, quá trình này chưa được quy định tại bất kỳ văn bản nào.