Vì sao nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam bị chậm tiến độ?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dù đang trong giai đoạn nước rút nhưng vẫn còn nhiều đoạn tuyến cao tốc thành phần có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) vừa thông tin về tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Trong đó có 2 đoạn tuyến có nguy cơ chậm tiến độ.
2 dự án bị “chỉ mặt, gọi tên”
2 đoạn tuyến trên là cao tốc Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thì tính đến thời điểm hiện tại, đoạn Cam Lộ - La Sơn địa phương đã bàn giao mặt bằng 97,8/98,3km (đạt 99,5%), sản lượng dự án mới đạt khoảng 36,4%.
Đánh giá về nguyên nhân sản lượng dự án đạt thấp như trên, cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, 9/11 gói thầu dự án Cam Lộ - La Sơn chậm tiến độ, chủ yếu do ảnh hưởng của mưa bão khu vực miền Trung năm 2020.
Cơ quan trên cũng đưa ra khuyến cáo, nếu đại diện chủ đầu tư không có giải pháp đặc biệt, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn toàn có nguy cơ không hoàn thành được trong năm 2021 theo như kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, tại dự án cầu Mỹ Thuận 2, tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai 4 gói thầu xây lắp trong đó 3 gói thầu của dự án thi công đạt yêu cầu, còn 1 gói thầu CW3B (trụ tháp, dầm dây văng) đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhưng hiện gói thầu XL3A mới đạt 6,9%, tiến độ chậm khoảng ba tháng. Để đảm bảo dự án không bị chậm tiến độ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề nghị Ban Quản lý dự án 7 chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, gói thầu XL3A là đường găng tiến độ nên phải đảm bảo huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân công, vật tư, vật liệu, duy trì dây chuyền thi công đúng như phương án do nhà thầu đã lập.
Đồng thời, đại diện chủ đầu tư phải chuẩn bị sẵn phương án dự phòng để xử lý kịp thời khi có trục trặc thì mới hoàn thành theo tiến độ đã cam kết ngày 31/12/2021.
3 dự án ở Bình Thuận vẫn bị vướng
Ngoài cao tốc Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 thì cao tốc Bắc Nam vẫn còn 2 đoạn tuyến tại Bình Thuận gặp vướng mắc về đường điện. Đó là các đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Thuận thì tính đến thời điểm hiện tại, cả 3 đoạn tuyến trên đều đã được phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100%. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã xây dựng hoàn thành 5 khu tái định cư. Sau khi giao đất, người dân đã vào xây nhà để ở, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như các công trình nước, viễn thông, đường dây điện mới có 3 huyện hoàn thành và 3 huyện đang di dời hệ thống nước, viễn thông giai đoạn 1.
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, hiện nay, việc chưa di dời đường dây 500kV và 220kV đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chờ lấy ý kiến Công ty truyền tải điện 3 (Truyền tải điện Quốc gia) góp ý phương án cắt điện trước khi trình Cục Năng lượng Bộ Công thương thẩm định. Riêng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán di dời.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn 28 hộ dân trong phạm vi dự án chưa nhận tiền bồi thường và tỉnh Bình Thuận vẫn đang yêu cầu các địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động nhằm giải quyết  sớm bàn giao diện tích còn lại cho các nhà thầu thi công.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thôngcho biết, hiện 2 dự án mới chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến các gói thầu đầu tiên của hai dự án sẽ khởi công trong tháng 6/2021, hoàn thành năm 2023. Riêng 3 dự án thực hiện theo hình thức PPP gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong quý II/2021.

Quý Nguyễn

Tin liên quan