Việt Nam mở cửa bầu trời, nâng cao vị thế và hình ảnh

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đường bay quốc tế đã chính thức bắt đầu từ 15/9. Điều dư luận quan tâm nhất là ngành hàng không đã chuẩn bị được những gì để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân và cộng đồng khi “cánh cửa bầu trời” đang dần rộng mở?

Sự cẩn trọng cần thiết
Chiều 15/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác.
Phó Thủ tướng đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ GTVT. Theo đó, từ ngày 15/9, triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei) và từ 22/9 sẽ triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).
Đề xuất mở lại đường bay quốc tế do chính Bộ GTVT đưa ra sau khi xem xét đề xuất của các hãng hàng không cũng như Cục Hàng không Việt Nam. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan này lên tiếng nói về việc mở lại đường bay quốc tế sau khi “cánh cửa bầu trời” này tạm đóng lại sau sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19. Nếu như không có đợt bùng phát trở lại của Covid-19 vào cuối tháng 8/2020 vừa qua, có lẽ kế hoạch mở lại đường bay quốc tế đã được triển khai sớm hơn.
Trong cuộc họp về việc mở lại các đường bay quốc tế có chở khách vào Việt Nam (ngày 14/9), Bộ GTVT cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan vẫn thống nhất chưa thực hiện mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9 như dự kiến ban đầu.
Theo Bộ GTVT, vẫn cần bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí...) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chưa xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như điều kiện giám sát, chi phí liên quan nên ngày 15/9 sẽ chưa mở lại chuyến bay thương mại thường lệ. Một ngày sau, Văn phòng Chính phủ có văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9. Các chuyên gia cho rằng, sự cẩn trọng trong triển khai kế hoạch “mở cửa bầu trời” rất cần thiết, bởi đây là việc cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chu đáo và tỉ mỉ.
Kiểm dịch nghiêm ngặt nhưng linh hoạt
 Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc mở lại đường bay quốc tế lần này vẫn phải thực hiện với tần suất hạn chế để thí điểm để đảm bảo tuyệt đối công tác phòng dịch. Theo đó, tần suất không quá 2 chuyến/ tuần cho mỗi bên và mỗi hãng với số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế. Các bên cũng phải thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí, các điều kiện nhập cảnh khác.
 Đặc biệt, đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên sẽ không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba. Trong đó, đối tượng được nhập cảnh là người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân; người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, thân nhân và học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam. Tất cả các đối tượng này đều phải có giấy ác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay hoặc phải có giấy xác nhận âm tính, được xét nghiệm và cách ly tại nhà máy, trụ sở DN hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú.
 Một trong những nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về mở lại đường bay quốc tế thường lệ chính là sự linh hoạt về thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vào Việt Nam. Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho những người trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính, sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở DN, cơ quan theo đúng quy định.
 Trường hợp với những người quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại, Phó Thủ tướng đồng ý áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Những người này cũng sẽ được xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
Việc thực hiện cách ly được thực hiện tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân. Riêng những người là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý DN, lao động, kỹ thuật cao và thân nhân, học sinh - sinh viên quốc tế… sẽ được cách ly tại nhà máy, trụ sở DN hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú. Người Việt nam sẽ được cách ly tập trung do quân đội quản lý tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
Về phía ngành hàng không, Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam trách nhiệm thông báo về yêu cầu của Việt Nam đối với hãng hàng không và hành khách trên các chuyến bay dựa trên cơ sở văn bản tổng hợp những hướng dẫn, yêu cầu về y tế của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tại Cảng hàng không, sân bay xây dựng và thực hiện quy trình về việc tiếp nhận chuyến bay, hành khách nhập cảnh tại cảng hàng không, sân bay, phân luồng hàng khách và bàn giao cho các cơ quan, đơn vị đón hành khách để đưa đi cách ly theo chỉ đạo của UBND tỉnh, TP nơi có sân bay quốc tế và đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Còn đối với các hãng bay, Bộ GTVT yêu cầu phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp khi thực hiện bán vé cho hành khách. Đồng thời, các hãng bay sẽ chỉ được bán vé cho hành khách đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam.
Sau khi đã lên danh sách hành khách dự kiến, các hãng hàng không phải gửi danh sách này cho Cảng vụ hàng không 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và gửi danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay. Các công tác kiểm dịch như kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng khai báo y tế... đều phải được các hãng bay và an ninh hàng không thực hiện nghiêm ngặt.

"Mở cửa đường bay quốc tế sẽ nâng cao hình ảnh Việt Nam về khả năng ứng phó với dịch bệnh, tạo điều kiện sớm cho du lịch phục hồi. Đây là cơ hội để phục hồi ngành du lịch nói riêng, ngành hàng không và nền kinh tế nói chung. Mặt khác, điều này thể hiện Việt Nam là một trong số điểm đến an toàn mở cửa đón khách quốc tế trong giai đoạn hiện nay trong khi nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống dịch." -Trưởng khoa Du lịch, Đại học Huế -PGS. TS Trần Hữu Tuấn


"Việc mở lại đường bay quốc tế lần này chỉ mới mở cửa cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy kỳ vọng phục hồi kinh tế không lớn lao. Chỉ khi nào các hoạt động du lịch và giao thương diễn ra bình thường như trước khi có dịch thì mới có thể kỳ vọng nền kinh tế trở lại bình thường. Mọi kỳ vọng phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu vào năm 2021." -Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h