Vietravel Airlines: Kỳ vọng gì từ “đôi cánh” bầu Hiển và Tập đoàn T&T?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Vietravel Airlines bước vào giai đoạn mới khi gia nhập hệ sinh thái Tập đoàn T&T, với ban lãnh đạo trẻ, giàu tiềm lực. Liệu sự tiếp sức này có đủ giúp hãng bay vượt qua khó khăn tài chính kéo dài và tái định vị trên thị trường hàng không?

Ông Đỗ Vinh Quang, con trai bầu Hiển làm chủ tịch Vietravel Airlines

Sáng 2/4, đại diện Vietravel Airlines chính thức xác nhận những chuyển biến quan trọng trong cơ cấu quản trị, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới khi có sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn T&T.

Vietravel Airlines: Ky vong gi tu “doi canh” bau Hien va Tap doan T&T? - Hinh anh 1
Ngoài ông Đỗ Vinh Quang, Hội đồng quản trị mới của Vietravel Airlines có sự góp mặt của nhiều nhân sự cấp cao đến từ hệ sinh thái T&T Group

Một trong những điểm đáng chú ý là việc ông Đỗ Vinh Quang – sinh năm 1995, con trai của ông Đỗ Quang Hiển (thường được biết đến với tên gọi “bầu Hiển”) – được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vietravel Airlines. Ông Vinh Quang hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội. Ông từng gây chú ý trong giới thể thao khi trở thành chủ tịch trẻ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam ở tuổi 25. Ngoài ra, ông cũng là phu quân của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh.

Hội đồng quản trị mới của hãng hàng không này còn có sự góp mặt của nhiều nhân sự cấp cao đến từ hệ sinh thái T&T Group, trong đó có ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB kiêm Chủ tịch Quỹ BVIM, ông Nguyễn Ngọc Nghị – Phó Tổng Giám đốc T&T Group, cùng một số đại diện đến từ T&T Airlines và T&T SuperPort. Sự xuất hiện của những gương mặt quen thuộc trong giới đầu tư và tài chính được kỳ vọng sẽ tạo nên làn gió mới cho hãng bay còn non trẻ này.

Vietravel Airlines: Ky vong gi tu “doi canh” bau Hien va Tap doan T&T? - Hinh anh 2

Vietravel Airlines có gì?

Vietravel Airlines được khởi động từ đầu năm 2018 và đến tháng 4/2020, dự án này chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, hãng nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý để gia nhập thị trường hàng không: giấy phép kinh doanh vận tải hàng không được cấp vào tháng 10/2020 và chứng chỉ khai thác tàu bay (AOC) được cấp trong tháng 12 cùng năm.

Ngày 26/12/2020, chuyến bay đầu tiên cất cánh theo lộ trình Hà Nội – Huế – TP.HCM, như một biểu tượng gắn kết kỷ niệm 60 năm tình hữu nghị giữa ba thành phố. Chỉ một tháng sau, Vietravel Airlines chính thức bước vào hoạt động thương mại, bắt đầu bán vé từ ngày 19/1/2021 và vận hành đều đặn từ 25/1/2021.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, đến tháng 12/2022, hãng tiếp tục mở rộng sang quốc tế với chuyến bay đầu tiên đến Bangkok, Thái Lan. Đây được xem là dấu mốc quan trọng thể hiện tham vọng vươn ra khu vực của Vietravel Airlines.

Về vốn điều lệ, tại tháng 11/2021, Vietravel Airlines thực hiện tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông khi đó gồm Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) chiếm 99,5% vốn, hai cá nhân là ông Trần Thế Duy và ông Vũ Đức Biên mỗi người góp 0,25%.

Báo cáo tài chính năm 2022 của doanh nghiệp cho thấy hãng lỗ 559 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị suy giảm mạnh, chỉ còn hơn 300 tỷ đồng. Trước đó một năm, khoản lỗ lên tới 860 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau hai năm hoạt động, Vietravel Airlines đã ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 1.000 tỷ đồng.

Để duy trì dòng tiền và đảm bảo vận hành, năm 2022, hãng đã trình đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 8.250 tỷ đồng. Theo đó, vốn góp trực tiếp từ nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được huy động qua các nguồn vốn khác hoặc từ lợi nhuận tái đầu tư. Tuy nhiên, do vướng mắc pháp lý, đề xuất này vẫn chưa thể triển khai.

Sang năm 2023, tình hình tài chính tiếp tục ảm đạm khi tổng lỗ tích lũy tăng lên gần 1.500 tỷ đồng. Tính đến cuối năm, Vietravel Airlines đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng âm vốn hơn 103 tỷ đồng. Gánh nặng tài chính cũng ngày càng chồng chất khi nợ phải trả tăng mạnh, từ 612 tỷ đồng năm 2022 lên tới 1.186 tỷ đồng vào năm 2023. Những khoản nợ này chủ yếu phát sinh từ nghĩa vụ với đối tác, khách hàng và tổ chức tín dụng.

Năm 2024 được kỳ vọng là thời điểm bước ngoặt đối với Vietravel Airlines. Quý I cùng năm, hãng ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 10 tỷ đồng – lần đầu tiên có lãi kể từ khi thành lập. Tháng 11, hãng được phê duyệt tăng vốn điều lệ trở lại mức 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, vào ngày 12/12/2024, ông Đỗ Quang Hiển chính thức trở thành cổ đông chiến lược, đánh dấu bước chuyển giao quan trọng trong định hướng phát triển của Vietravel Airlines.

Dù vậy, những cải thiện về tài chính và cơ cấu sở hữu vẫn chưa thể giúp hãng phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn. Hiện tại, đội bay của hãng chỉ còn duy trì một tàu thân hẹp thuê khô – con số khá khiêm tốn so với các đối thủ cùng ngành.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, Vietravel Airlines là hãng có số lượng chuyến bay khai thác thấp nhất trên thị trường. Riêng tháng 1, hãng thực hiện 617 chuyến, sang tháng 2 giảm xuống còn 444 chuyến. Tỷ lệ bay đúng giờ đạt 65,8%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành là 67,4%.

Hiện tại, hãng đang vận hành các đường bay nội địa giữa Hà Nội, TP.HCM với các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn và Phú Quốc. Ngoài ra, Vietravel Airlines duy trì hai tuyến bay quốc tế kết nối Hà Nội, TP.HCM với Bangkok (Thái Lan).

Nhị Hà

Tin liên quan