Vĩnh Phúc ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án giao thông lớn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Sỹ Hào.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ.
Hai dự án quan trọng đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2022 đến hết năm 2026 là dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ QL2C đến hồ Vân Trục; dự án hạ tầng kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Tuyến đường vành đai 5 - Vùng thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo).
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị về tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ QL2C đến hồ Vân Trục có tổng chiều dài 14,56km, chạy qua địa bàn huyện Tam Đảo và huyện Lập Thạch, tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng.
Hiện nay phần giải phóng mặt bằng (GPMB) đã bàn giao để thi công trên địa bàn 2 huyện là 10/14,56km (đạt khoảng 70%). Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công tăng cường máy móc, thiết bị ngày đêm thực hiện để hoàn thành khối lượng, giải ngân vốn.
Dự án Tây Thiên - Tam Sơn đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Sỹ Hào.
Đơn vị thi công đã thực hiện cơ bản xong phần nền đường, cống thoát nước ngang, thoát nước dọc và đã thảm được một số đoạn tuyến trên phần đã GPMB. Thời điểm này, các đơn vị thi công đang thực hiện thi công móng đường các đoạn còn lại và quyết tâm thảm bê tông nhựa vào cuối tháng 4 và trong tháng 5/2025. Giá trị thực hiện đến nay đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng. Trong năm 2025 công trình được cấp vốn trên 50 tỷ đồng, chủ đầu tư đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thi công làm tăng ca để giải ngân hết số vốn được cấp.
Dự án hạ tầng kết nối Vùng Thủ đô (tuyến đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo) dài 26,7km, chạy qua địa bàn huyện Tam Đảo, huyện Bình Xuyên và TP Phúc Yên, có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.
Hiện, phần GPMB đã bàn giao để thi công trên địa bàn 2 huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và TP Phúc Yên là 9,3/26,7km (đạt khoảng 35%). Khối lượng thi công trên tuyến đạt trên 25% giá trị hợp đồng.
Trên tuyến đã hết mặt bằng thi công, chủ đầu tư đang phối hợp với hội đồng bồi thường để thực hiện các thủ tục xác định giá đất, lập phương án bồi thường GPMB thực hiện giải ngân vốn của công trình.
Một số khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án
Về nguyên nhân chưa GPMB dứt điểm cả hai dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khó khăn chung mà các dự án trọng điểm này đang gặp phải là trình tự thủ tục xác định giá đất.
Công tác GPMB các dự án trọng điểm đang gặp khó khăn trong trình tự xác định giá đất. Ảnh: Sỹ Hào
Theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, thủ tục này mất nhiều thời gian để có thể xác định xong giá đất cho một dự án cụ thể, bắt đầu thực hiện từ khâu cấp vốn, duyệt kế hoạch đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, thực hiện đấu thầu theo quy định, chấm thầu và ký hợp đồng trúng thầu với đơn vị tư vấn xác định giá đất trúng thầu… sau đó mới đủ điều kiện để thực hiện công việc điều tra, khảo sát giá thị trường để ra được chứng thư về giá đất, mất thời gian khoảng 60 ngày mới có thể hoàn thành.
Nhưng khi đã có giá đất để lập phương án bồi thường GPMB thì tiếp tục phải thực hiện niêm yết công khai 30 ngày theo quy định mới được thẩm định, phê duyệt phương án và trả tiền đền bù cho người dân.
Ngoài ra, việc bàn giao đất rừng giữa Vườn quốc gia Tam Đảo với tỉnh Vĩnh Phúc đối với phần diện tích đã quy hoạch ra ngoài phạm vi của Vườn quốc gia (trong dự án đường vành đai 5 – Vùng Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo) phải tiến hành thận trọng, đảm bảo chính xác, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành.
Sỹ Hào