Vẫn nhiều vi phạm
Theo Quyết định 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 của UBND TP Hà Nội quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP, kể từ ngày 7/10/2024, những mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3m sẽ không được phép tồn tại mà phải hợp thửa, hợp khối với các diện tích liền kề - hoặc giao lại cho địa phương quản lý.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị, quy hoạch kiến trúc, Quyết định số 61 của UBND TP Hà Nội là cơ sở pháp lý, là “cây gậy” quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên tại các dự án mở đường - vốn là vấn để nóng đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo đảm mỹ quan đô thị tại Thủ đô.
Nhà siêu mỏng trên phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân khi tuyến đường đang trong quá trình mở rộng. Ảnh: Hoàng Hùng
Quy định là vậy, song việc áp dụng, triển khai vào thực tế tại các địa phương lại là một câu chuyện khác. Nói như vậy là bởi, tại nhiều dự án, rất nhiều ô đất bị cắt xén, thu hồi đã không còn đủ điều kiện về kích thước và diện tích xây dựng, nhưng “bằng một cách nào đó” những công trình này vẫn mọc lên và tồn tại từ năm này sang năm khác mà chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để.
Dự án mở rộng đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đang được triển khai xây dựng là một ví dụ điển hình. Tại đây, không khó để bắt gặp những “ngôi nhà” có diện tích sau thu hồi giải phóng mặt bằng dưới 15m2. Thậm chí có những “ngôi nhà” diện tích còn lại chỉ vẻn vẹn 5 – 6m2, nhà hình tam giác, 1 cạnh chỉ hơn 30cm vẫn ngang nhiên gấp rút xây dựng… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho những người dân sinh sống trong những “ngôi nhà” này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tạo dựng cảnh quan, mỹ quan đô thị của Thủ đô.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, những “khối u” trên càng để lâu, càng khó xử lý… Dẫn chứng về việc này, một chuyên gia nêu ví dụ: Để thực hiện dự án mở đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định thu hồi 52,8m2 đất tại số 4, ngõ 116 đường Nguyễn Xiển. Trong đó, diện tích đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng là 49,7m2, ngoài chỉ giới là 3,1m2. Tại thời điểm đó, chủ sở hữu đã nhận đầy đủ số tiền hỗ trợ cho cả phần nằm trong và ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, khu vực 3,1m2 đất còn lại sẽ được xây dựng Bảng tin cụm dân cư. Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, cái được gọi là ‘Bảng tin cụm dân cư” chỉ là tấm biển gắn lên căn nhà siêu mỏng, siêu méo nằm trên diện tích 3,1m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, đã được đền bù, yêu cầu dỡ bỏ vẫn ngang nhiên tồn tại… gây mất mỹ quan đô thị.
“Các đơn vị chức năng cần xử lý vấn đề phát sinh ngay từ đầu, ngay từ lúc lập quy hoạch, xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng… đừng để vấn đề trên rơi vào cảnh “chuyện đã rồi” rất khó khăn cho việc xử lý sau này” - một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng cho hay.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Đề cập đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông, một số chuyên gia thẳng thắn cho rằng, việc để nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện, tồn tại do cách quản lý đô thị manh mún, nghiệp dư, thiếu sự phối hợp của các ngành có liên quan. Tại nhiều dự án, đơn vị chức năng chỉ lo đến tiến độ thi công của dự án, công tác tạo mặt bằng sạch cho quá trình thi công mà quên đi những vấn đề phát sinh phía sau như cảnh quan, mỹ quan đô thị của các ngôi nhà dọc tuyến đường, tuyến phố mới.
Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường. Một số nước còn dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ.
Theo TS Trương Ngọc Lâm – Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất phát từ những phần đất, công trình còn lại của những ngôi nhà cũ sau giải phóng mặt bằng. Do đó, chúng ta cần đi trước một bước trong công tác giải quyết bằng các biện pháp như quy hoạch đồng bộ, phân chia lô đất phù hợp và lập quy hoạch chi tiết…
“Những ngôi nhà không đủ diện tích tồn tại không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan đô thị. Do đó, để xử lý tình trạng trên, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng cần được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả” - TS Trương Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đối với các phần đất, công trình còn lại sau giải phóng mặt bằng có diện tích thấp hơn so với quy định của TP, các cơ quan chức năng cần đền bù, thu hồi hết để phục vụ cho các công trình công cộng như đặt trạm dừng chờ xe bút, hoặc đặt cây ATM…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thu Hiền – Giám đốc Công ty Luật TNHH K.M.C cho biết, đối với những trường hợp sau thu hồi, giải phóng mặt bằng, diện tích còn lại không đủ điều kiện tồn tại có hai hướng xử lý. Thứ nhất, Nhà nước sẽ khuyến khích các chủ sở hữu thỏa thuận với nhau để hợp nhất thửa. Thứ hai, đối với các trường hợp không thể thỏa thuận hợp thửa thì UBND sở tại phải xây dựng phương án thu hồi và bồi thường cho người dân đối với diện tích đất của các công trình đó.
Như vậy có thể thấy, những chế tài, những quy định nhằm xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện tại các dự án triển khai xây dựng… đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nếu tình trạng “mạnh ai người đấy làm”, thiếu sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, sự giám sát lỏng lẻo của chính quyền địa phương… vẫn tiếp tục tái diễn thì bài toán xử lý, ngăn chặn, triệt tiêu nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ mãi không có đáp án.
Vân Nhi