Dự án trọng điểm hàng đầu quốc gia
Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm hàng đầu quốc gia, nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân cả nước cùng sự chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ.
Dự án sân bay Long Thành rộng 5.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2021. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng hai đường băng, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Tại đây sẽ được áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để đưa chất lượng phục vụ hành khách, an toàn bay ngang bằng các cảng hàng không hàng đầu thế giới.
Theo thiết kế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được trang bị các hệ thống siêu hiện đại áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay như: hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (self-kios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế cho sân bay thông minh để quản lý toàn bộ nguồn dữ liệu của sân bay (thông tin về chuyến bay, điều hành bay, xuất nhập cảnh, hải quan…).
Qua đó, giúp nhà điều hành sân bay có thể phân bổ khai thác cho toàn bộ sân bay (cửa ra máy bay, địa điểm làm thủ tục, bến đậu, cất, hạ cánh…) một cách hiệu quả nhất cũng như giúp nhà quản lý vận hành sân bay có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Nhà ga sân bay Long Thành những ngày đầu tháng 3/2025. Ảnh: Trần Khánh
Khẩn trương triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ
Hiện nay, thời gian hoàn thành đường cất hạ cánh sân bay Long Thành chỉ còn tính theo ngày nên công đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối đang được tăng tốc đẩy nhanh. Theo kế hoạch, công trình sẽ được đưa vào khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến ban đầu.
Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ phương án đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác đúng thời gian, tiến độ, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tập trung ưu tiên xây dựng phương án giá đối với các dịch vụ chưa được định giá và dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế.
Việc xây dựng phương án giá dịch vụ phục vụ hành khách cần được khẩn trương triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ và thời gian cập nhật quy định về giá phục vụ hành khách với IATA, đảm bảo thời gian để các hãng hàng không bán vé các chuyến bay đi, đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Các dịch vụ chưa được định giá được Cục Hàng không liệt kê gồm: dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc nội; dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa.
Với dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế, theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại, mức giá quy định cho các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Vân Đồn, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Liên Khương, Cát Bi, Vinh dao động từ 14 - 25 USD/hành khách. Các cảng hàng không còn lại áp dụng mức giá 8 USD/hành khách.
Về quy trình, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: theo quy định tại Nghị định 85/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá, tối đa 45 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Cục Hàng không, DN phải lập phương án giá gửi cơ quan này. Tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ bảo đảm điều kiện, Cục Hàng không Việt Nam phải thẩm định xong phương án giá. Tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ bảo đảm điều kiện ban hành văn bản định giá, Bộ Xây dựng phải xem xét ban hành.
Đồng thời, tại Thông tư 44/2024/TT-BGTVT của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) quy định hành khách đi tàu bay thanh toán tiền sử dụng dịch vụ phục vụ hành khách cùng với giá dịch vụ vận chuyển hàng không.
Cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không đề nghị ACV khẩn trương triển khai thực hiện, gửi báo cáo trước ngày 1/6/2025.
Mai