Hạn chế xe khách quá cảnh
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đường Vành đai 3 dưới thấp đang quá tải gấp hơn 4 lần thiết kế, trên cao quá tải gấp hơn 8 lần. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tuyến đường thường xuyên đối diện với nguy cơ cao ùn tắc giao thông (UTGT), kể cả những ngày thường, ngoài khung giờ cao điểm.
Để tăng cường năng lực lưu thông cho tuyến đường, Sở Xây dựng Hà Nội đã xén dải phân cách, mở rộng đường dưới thấp, tổ chức lại một số nút giao lớn, hạ vận tốc tối đa lưu thông… nhờ vậy đường Vành đai 3 đã phần nào giảm tải áp lực. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo nhận định: “Đây là tuyến vành đai duy nhất hiện có của Hà Nội, kết nối từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, nên lưu lượng phương tiện cả nội bộ lẫn quá cảnh đổ vào vẫn rất lớn, khó lòng giải quyết tận gốc vấn đề UTGT”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà đường Vành đai 4 chưa hoàn thành, Vành đai 2, 2,5, 3,5 đều chưa khép kín, hoặc đang trong quá trình xây dựng, đường Vành đai 3 vẫn là tuyến huyết mạch duy nhất để cả phương tiện cá nhân, xe khách, xe tải lưu thông đi các tỉnh lân cận và trong TP. Đặc biệt, với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh, thói quen sử dụng xe riêng còn phổ biến, áp lực giao thông trên tuyến đường vẫn đang gia tăng từng ngày.
Đường Vành đai 3 Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Mặt khác, cùng với tốc độ đô thị hóa rất nhanh trong khoảng 10 năm qua, Vành đai 3 đã không còn là đường tránh trung tâm TP nữa mà thực chất đã trở thành cao tốc đô thị, xuyên tâm TP. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xem xét lại tính chất và đặc điểm của Vành đai 3, từ đó có những giải pháp phù hợp trong tình hình mới. Trong khi chờ đợi 6 tuyến vành đai còn lại khép kín, phân bổ áp lực, hạn chế phương tiện cá nhân, đường Vành đai 3 cần có một số giải pháp tạm thời được nghiên cứu áp dụng hoặc thí điểm ngay nhằm giảm thiểu UTGT.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, cần xem xét cấm xe tải nặng, xe khách liên tỉnh đi vào vành đai, đoạn từ cầu Thăng Long - cao tốc Pháp Vân. “Nếu không thể cấm hẳn thì phải hạn chế lưu thông các loại hình này vào giờ cao điểm, để Vành đai 3 bớt ùn tắc. Thực tế xe khách liên tỉnh quá cảnh Hà Nội đi vào đường Vành đai 3 không chỉ gia tăng áp lực giao thông mà còn dừng đỗ tùy tiện, đón khách, bốc hàng, thậm chí lập các bến “cóc” dọc đường, gây mất trật tự, ATGT nghiêm trọng” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Liên quan đến đề xuất này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cần nghiên cứu rất kỹ để hài hòa giữa mục tiêu giảm áp lực giao thông với hạn chế khó khăn cho DN vận tải. Hiện có những tuyến xe khách liên tỉnh quá cảnh, nếu đi tránh Vành đai 3 sẽ kéo dài lộ trình hàng trăm cây số.
Mở tuyến buýt điện bến nối bến
Tương tự như với xe khách quá cảnh TP, nhiều ý kiến cũng đề xuất Hà Nội nên cấm xe tải nặng trên 10 tấn lưu thông qua đường Vành đai 3 trên cao trong giờ cao điểm sáng - chiều. Trên thực tế, rất nhiều tuyến đường phố đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội đã cấm xe tải nặng chạy ban ngày. Vành đai 3 trên cao cũng cần tổ chức giao thông tương tự.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng đề xuất: “Nên cấm xe tải nặng trên 10 tấn lưu thông qua đường Vành đai 3 trên cao, đoạn từ cầu Thăng Long - Pháp Vân vào ban ngày, chỉ cho hoạt động từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng. Như vậy sẽ giảm tải áp lực đáng kể cho tuyến đường”. Sở GTVT Hà Nội (cũ) cũng đã từng đề xuất giải pháp này vào thời điểm trước khi hợp nhất với Sở Xây dựng, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng nên bỏ làn khẩn cấp đường Vành đai 3 trên cao đoạn trong đô thị để mở rộng diện tích lưu thông. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân gợi ý, có thể tạm thời tổ chức cho lưu thông trên làn khẩn cấp trong giai đoạn sửa chữa đường Vành đai 3 trên cao.
Hơn nữa, tuyến đường này hiện đã nằm sâu trong đô thị, hoạt động như đường cao tốc đô thị chứ không còn là vành đai nữa. Vì vậy, việc nghiên cứu tổ chức lại giao thông là cần thiết và có thể làm được. Mặt khác, hiện dải phân cách dưới gầm đường Vành đai 3 trên cao, đoạn từ Bến xe Mỹ Đình đến Bến xe Nước Ngầm hầu như để trống, trong khi mật độ phương tiện cá nhân trên tuyến dày đặc, ùn tắc thường xuyên chờ trực. Nếu có thể tận dụng không gian này, mở một làn đường riêng cho xe buýt điện kết nối hai bến xe, sẽ góp phần tích cực giảm phương tiện cá nhân, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
Hiện các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đã được phân bổ, hoạt động theo quy hoach luồng tuyến Đông - Tây - Nam - Bắc. Hành khách từ cửa ngõ Tây Nam, Tây TP muốn đến Bến xe Nước Ngầm, và từ cửa ngõ phía Nam muốn đến Bến xe Mỹ Đình phải sử dụng nhiều loại phương tiện, đi lại chưa thuận lợi, thậm chí còn làm gia tăng tần suất chuyến đi trong khu vực nội thành.
Trong khi đó các đoạn tuyến từ Phạm Hùng - Nguyễn Xiển; từ Nghiêm Xuân Yêm - Hoàng Liệt - Đỗ Mười, dù đã được mở rộng đáng kể nhưng vẫn còn một dải phân cách giữa, nằm dưới gầm Vành đai 3 trên cao rộng từ khoảng 10 - 20m hiện đang để trống. Đặc biệt, cầu vòm thép bắc qua hồ Linh Đàm cũng gần như không được sử dụng nhiều năm qua.
Nếu có thể tận dụng khoảng trống này, tháo dỡ dải phân cách bên dưới cầu cạn Vành đai 3, mở làn đường cho một tuyến xe buýt kết nối từ Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Nước Ngầm, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cả trước mắt và lâu dài.
Thứ nhất là làn đường mở mới tại dải phân cách giữa không gian làm thu hẹp không gian lưu thông hiện hữu, tránh tối đa ảnh hưởng đến các luồng phương tiện trên tuyến Vành đai 3 dưới thấp từ Phạm Hùng - Đỗ Mười. Thứ hai là ưu tiên tận dụng làn đường này cho xe buýt có thể tạo ra không gian lưu thông riêng, bảo đảm được vận tốc hành trình tối đa, hấp dẫn được nhiều người dân sử dụng hơn.
Thứ ba là triển khai được một tuyến buýt “bến nối bến”, đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh chóng, thuận tiện cho người dân, tăng cường khách cho các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, góp phần hạn chế xe “dù”, bến “cóc” trên trục Vành đai 3.
Thứ tư là tuyến buýt này còn kết nối hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông và số 3 Nhổn - Cầu Giấy, tạo nên sự gắn kết giúp tăng cường hiệu quả cho ĐSĐT. Đây cũng là vấn đề người dân đang rất mong mỏi được giải quyết sớm để có thể dễ dàng chuyển đổi, sử dụng ĐSĐT đi lại hàng ngày.
Phạm Công