Cách nào xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Vấn nạn xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình đang ngày một “nóng” khi thời điểm Tết đang cận kề. Tình trạng nóng đến mức Hiệp hội vận tải một số địa phương đã phải cầu cứu Bộ GTVT.

Xe dù, bến cóc hay xe hợp đồng trá hình không phải là vấn đề mới mà tồn tại từ nhiều năm qua. Trước đây, nhiều ý kiến đổ lỗi cho những lỗ hổng hành lang pháp lý, cụ thể là Nghị định 86/ NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô là nguyên nhân khiến vấn nạn này “có đất sống”.

Cach nao xu ly xe du, ben coc, xe hop dong tra hinh? - Hinh anh 1
Vấn nạn xe dù, bến cóc chưa bao giờ hết "nóng" trong nhiều năm qua. 

Các hiệp hội vận tải kêu cứu

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi Nghị định 86 được thay thế bằng Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, vấn nạn xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình thậm chí còn nở rộ hơn. Đặc biệt, vào giai đoạn cuối năm, sự lộng hành của xe dù, bến cóc, của xe hợp đồng trá hình đã và đang gián tiếp đẩy nhiều DN vận tải khách tuyến cố định vào tình trạng khốn cùng, nhiều DN đang đứng trước bờ vực phá sản.

Nếu ở đâu chính quyền địa phương quản lý tốt sẽ không hình thành được xe dù, bến cóc. Theo kinh nghiệm trong quản lý hoạt động vận tải hành khách, tùy cung đường phải có điểm dừng đỗ, đón - trả khách. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề hiện nay là rất khó khăn trong việc bố trí điểm dừng đỗ, nhất là tại các đô thị, trên cao tốc hay quốc lộ. Chúng ta phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng điểm dừng đỗ cho các phương tiện – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ 

Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang đã phải “cầu cứu” Bộ GTVT trước tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoành hành quá dữ dội tại các địa phương này.

Các hiệp hội khẳng định, tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải hành khách tuyến cố định, quy hoạch bến xe khách, gây cạnh tranh bất bình đẳng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phải dừng hoặc thu hẹp hoạt động, các bến xe có nguy cơ đóng cửa.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực vận tải hành khách có nhiều diễn biến phức tạp, có biểu hiện của sự mất kiểm soát. Trong đó, nổi bật là tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, xe đi ghép đón trả khách tại nhà.

Thậm chí, đại diện Hiệp hội vận tải Hải Phòng khẳng định, nhiều DN vận tải khách tuyến cố định còn bỏ bến để chạy dù hoặc chạy xe hợp đồng trá hình, công khai bán vé thu tiền trên mạng như xe chạy tuyến cố định.
Phúc đáp ý kiến của các đơn vị trên, Bộ GTVT đề nghị Hiệp hội vận tải Hải Phòng và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang nắm bắt tình hình, cung cấp danh sách đơn vị vận tải, phương tiện có dấu hiệu vi phạm; địa điểm, tuyến phố, khu vực có xe dù, bến cóc hoạt động, kịp thời phản ánh đến Sở GTVT, đến các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định (?!).


Trông chờ khoa học công nghệ?

Giới chuyên môn nhìn nhận, tình trạng xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình nở rộ là điều bất thường, bởi trên thực tế hành lang pháp lý để quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô, đồng thời cũng để kiểm soát các phương thức vận tải trá hình, trái phép như trên giờ đều tương đối đầy đủ, từ Trung ương đến địa phương.

Cach nao xu ly xe du, ben coc, xe hop dong tra hinh? - Hinh anh 2
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý hoạt động vận tải được kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp xóa bỏ xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình. 

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình cho đến nay không giải quyết được. Để vấn nạn này tiếp diễn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. “Chính phủ, Bộ GTVT, các ngành, địa phương đều có quy định về quản lý giao thông vận tải. Đặc biệt là Nghị định số 10 thay thế cho Nghị định 86 trước đây đã quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã nêu rất cụ thể về trách nhiệm, điều kiện hoạt động đối với các loại hình vận tải, trong đó có xe hợp đồng. Vậy tại sao xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn có đất sống”? – chuyên gia Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.

Theo ông Bùi Danh Liên, việc để xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tồn tại dai dẳng bất chấp các quy định của nhà nước về quản lý giao thông đã có đầy đủ thì trách nhiệm thuộc về nhiều đơn vị và địa phương. Thậm chí, ông Liên cho rằng, có một “nhóm lợi ích nhất định” ở đây và không thể không kể tới chủ xe, chủ DN tổ chức "lách luật" để chạy. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng cũng không thể vô can khi rõ ràng phải có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của họ thì xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình mới “có đất sống” và “sống dai” đến vậy.

Về giải pháp, chuyên gia Bùi Danh Liên cho rằng, đã đến lúc phải áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật sẽ trợ giúp tốt cho các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng, từ đó họ sẽ có thêm trở thủ đắc lực để xóa bỏ vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình.

“Việc áp dụng nghiêm quy định về sử dụng công nghệ trong quản lý chắc chắn sẽ hạn chế được xe dù, bến cóc, xe "trá hình" tuyến cố định. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương cùng tham gia vào việc này sẽ có chuyển biến trong việc chống được vấn nạn này thôi” – ông Bùi Danh Liên nhận định.

Các hiệp hội vận tải cho rằng, để xóa bỏ được vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình thì cần bổ sung quy định để quản lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, trong đó xem xét xử lý cấp chính quyền để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Đối với DN không đăng ký chạy tuyến cố định nhưng lại chở khách như tuyến cố định cần kiên quyết thu hồi phù hiệu vận tải và đưa vào bến hoạt động như tuyến cố định.

 

QUÝ NGUYỄN/KTĐT

Tin liên quan