Đành rằng việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường sá, không tránh khỏi những hệ lụy như bụi bặm. Theo tìm hiểu của người dân chúng tôi, khi tiến hành cải tạo đường, đơn vị thi công phải có xe tưới nước thường xuyên để tránh bụi bẩn. Nhưng tại đây, nhà thầu thi công rất ít khi cho xe tưới nước, nên vào những ngày nắng nóng, đoạn đường này luôn mù mịt bụi.
Do mặt đường được mở rộng, đơn vị thi công đắp thêm bờ kè, khiến cốt đường cũ nhô cao như sống trâu (hai bên vẫn là rãnh), nhưng chỉ được đặt vài cọc tiêu, chằng dây sơ sài, cạnh đấy là nhiều nắp cống nằm la liệt. Đoạn đường này lại chưa có đèn cao áp, nên những hôm tối trời, người và phương tiện (nếu thiếu quan sát) rất dễ sa xuống rãnh, những chiếc nắp cống hộp sẽ trở thành một thứ… bàn chông.
Dù hai đầu đoạn đường đang cải tạo, đơn vị thi công có đặt biển giới hạn tốc độ, nhưng gần như chỉ có xe cá nhân là tuân thủ biển báo, trong khi các loại xe chở vật liệu (đa phần là cơi nới thùng xe, chở quá tải) vẫn phóng ầm ầm – khiến ai đi đến đây đều phải dạt sang hai bên, tránh va chạm với xe tải! Điều đáng nói là hàng ngày (kể cả ngày nghỉ), trên tuyến đường này thường xuyên có các lực lượng chức năng tuần tra; nhưng không hiểu vì lý do gì, các xe chở vật liệu vẫn vô tư phóng bạt mạng.
Để bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân, đề nghị ngành chức năng huyện Mỹ Đức siết chặt quản lý với xe quá khổ, quá tải. Chỉ đạo đơn vị thi công phải có phương án giảm thiểu bụi đất, lắp đặt thêm các thiết bị cảnh báo nguy hiểm tại đoạn đường này. Có như vậy người dân mới yên tâm mỗi khi lưu thông qua đây, bởi theo quan sát của chúng tôi, để hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo đoạn đường này, thời gian không phải ngày một, ngày hai.