Nhậu say, phóng xe ra đường gây tai nạn
Ngày 12/4, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Văn Hưng (SN 1976, trú tại khu Lao Động, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra về hành vi điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn chết người. Đối tượng này chính là người trực tiếp điều khiển xe ô tô hiệu Innova mang BKS 12A-085.x.x. gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên QL4B, đoạn qua địa phận khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình vào lúc 21 giờ 35 ngày 11/4.
Hành vi của tài xế này không chỉ gây ra thiệt hại lớn về tài sản cho chính bản thân và người khác mà còn cướp đi sinh mạng của bé trai 5 tuổi. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn với tài xế này cho thấy, Hoàng Văn Hưng có tới 1,5miligam/lít khí thở. Điều đáng nói, trước khi gây ra tai nạn chết người, Hoàng Văn Hưng đã cùng với một nhóm người tổ chức ăn nhậu đến say mềm.
Hiện trường nơi chiếc xe Innova gây ra vụ tai nạn kinh hoàng. Ảnh: Duy Chiến
|
Trước đó, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 10 ngày thực hiện cách ly xã hội (từ ngày 1 - 10/4), toàn quốc xảy ra 166 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 94 người, bị thương 113 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 1,6 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Cục Cảnh sát giao thông thông tin, lợi dụng đường phố vắng vẻ, một số thanh thiếu niên ở các đô thị đã tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép. Nghiêm trọng hơn, đêm 2/4/2020 tại Đà Nẵng, nhóm thanh niên tụ tập đua xe, có biểu hiện cướp giật, khi bị truy đuổi đã cố tình chống đối, bỏ chạy gây tai nạn khiến 2 chiến sĩ công an hy sinh.
Những hành vi này là cố tình chống lệnh cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, cần phải xử lý nghiêm minh.
Cần xử phạt nghiêm
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, qua những vụ tai nạn giao thông trên có thể thấy đang có hiện tượng chủ quan, coi thường pháp luật của một số người trong xã hội.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là thái độ và hành vi của những người này diễn ra ngay trong thời điểm cách ly toàn xã hội để chống dịch, có thể trở thành những tiền lệ xấu nếu không xử lý nghiêm. “Đây là hành vi vi phạm kép nên đương nhiên cần phải bị xử phạt ở cả 2 lỗi và phải xử phạt thật nghiêm minh để tạo sức răn đe” – ông Bùi Danh Liên nói.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, để dập tắt hiện tượng tiêu cực này khi vừa mới có dấu hiệu manh nha, ngoài chế tài xử phạt cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân. Vấn đề này có liên quan cả về dân trí và nhận thức pháp luật nên công tác đầu tiên là tuyên truyền luật lệ thường xuyên, không được buông lỏng. Thứ hai là duy trì công tác kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.
Ông Bùi Danh Liên cho biết thêm, trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không chỉ Luật Giao thông đường bộ mà tất cả các quy định pháp luật đều phải thực hiện nghiêm chỉnh.
“Đây chính là câu chuyện về việc quản lý xã hội một cách toàn diện. Các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện điều này phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Các cơ quan truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền một cách liên tục, có như vậy mới đạt hiệu quả cao” – ông Bùi Danh Liên kết luận.