Cảnh giác với lũ quét, sạt lở ở vùng núi Bắc Bộ và Trung Bộ

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, chiều và tối nay (23/6), vùng núi Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có mưa và mưa to. Cảnh báo nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối đảm bảo ATGT cho người, phương tiện trên các tuyến đường bộ.

Theo dự báo khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có mưa, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến: Lai Châu và Điện Biên từ 20-50mm, có nơi hơn 70mm; Thừa Thiên Huế và Quảng Nam phổ biến từ 20-40mm, có nơi hơn 60mm; Đà Nẵng từ 20-50mm, có nơi hơn 70mm.

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn. Ngoài ra, khi trời mưa dông thường kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm.

Canh giac voi lu quet, sat lo o vung nui Bac Bo va Trung Bo - Hinh anh 1
 Ảnh minh hoạ

Khu vực bắc Biển Đông, giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên hơn 2,5m.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công điện số 19/CĐ - BGTVT ngày 17/6/2024 về việc “Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ”, gửi kèm theo Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trước đó Cục ĐBVN cũng đã ra công điện khẩn gửi các Khu Quản lý đường bộ I, II. Sở GTVT các tỉnh, Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và QLKT công trình đường bộ; Các Ban Quản lý dự án 3,4 yêu cầu:

Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa.

Chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và bảo đảm giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang.

Cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Các Khu quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở GTVT, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở...

Kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối ATGT cho người, phương tiện trên các tuyến đường bộ.

Tin liên quan