Cục Đường sắt Việt Nam 'giục' 13 tỉnh chưa thông tin về lộ trình xóa lối đi tự mở qua đường sắt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP, Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, các tỉnh, thành có đường sắt đi qua phải xây dựng kế hoạch, lộ trình xóa lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn, với mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.

Cuc Duong sat Viet Nam 'giuc' 13 tinh chua thong tin ve lo trinh xoa loi di tu mo qua duong sat - Hinh anh 1

Theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP, các tỉnh, thành có đường sắt đi qua phải xây dựng kế hoạch, lộ trình xóa lối đi tự mở, mục tiêu đến 2025 xóa bỏ hoàn toàn.

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, các tỉnh, thành có đường sắt đi qua phải xây dựng kế hoạch, lộ trình xóa lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở.

Tuy nhiên, đến nay Cục Đường sắt VN mới nhận được văn bản của 21 tỉnh/thành phố về kế hoạch, lộ trình xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt, còn 13 tỉnh/TP và 1 DN đường sắt chuyên dùng chưa có thông tin gửi Cục về nội dung này.

13 tỉnh/TP và 1 doanh nghiệp đường sắt chuyên dùng chưa gửi thông tin là: Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Công ty Kho vận Đá bạc - Vinacomin.

Trước việc chậm trễ này, Cục Đường sắt VN đã ra văn bản gửi Sở GTVT 13 tỉnh/thành phố trên và Công ty Kho vận Đá bạc - Vinacomin đề nghị khẩn trương rà soát, hoàn thành việc xây dựng, tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, lộ trình tổng thể thực hiện việc thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.

Cục Đường sắt VN cũng đề nghị Ban ATGT/Sở GTVT các tỉnh/thành phố tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện các biện pháp kiềm chế, không để phát sinh lối đi tự mở, thu hẹp bề rộng lối đi, xóa bỏ lối đi tự mở.

Trong thời gian chờ xóa bỏ lối đi tự mở, cần thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT như: tổ chức cảnh giới/chốt gác tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra TNGT; Tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện đường bộ qua lại lối đi tự mở nhằm giảm thiểu mật độ phương tiện qua lại đường sắt; Duy trì đầy đủ các biển cảnh báo tại khu vực lối đi tự mở theo quy định; Phát quang tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các điểm giao cắt; Rà soát, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hỏng tại các đường ngang thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.

Trước đó, Cục Đường sắt VN cũng có văn bản đề nghị Ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt trong phạm vi địa bàn quản lý, đặc biệt là các quy định của pháp luật về trật tự hành lang ATGT đường sắt.

Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cá nhân, hãng taxi, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lái xe, phương tiện cơ giới tham gia giao thông nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt như đường ngang, lối đi tự mở...

Thành Luân

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h