Đề xuất tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cục Cảnh sát giao thông đề xuất bố trí mặt cầu Thanh Trì thành 03 làn đường dành cho xe ô tô và 01 làn đường dành cho xe mô tô.

De xuat to chuc lai giao thong tren cau Thanh Tri - Hinh anh 1
Các phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì. 

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/4/2020 đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì, làm chết 8 người, bị thương 14 người, so sánh thời gian cùng kỳ tăng 5 vụ, tăng 5 người chết và 4 người bị thương, trong đó 19 vụ tai nạn giao thông liên quan đến làn đường hỗn hợp dành cho ô tô con và xe môtô xe máy.

Cục Cảnh sát giao thông đánh giá, bên cạnh ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện thì tổ chức giao thông tại khu vực này cũng là một yếu tố gây mất an toàn giao thông.

Hiện nay, lưu lượng phương tiện thực tế qua cầu lớn hơn lưu phương tiện thiết kế ban đầu nhiều lần (khoảng 120.000 xe/ngày đêm so với 15.000 xe/ngày đêm); mặt cầu xuống cấp, xuất hiện nhiều hằn lún vệt bánh xe; vạch kẻ đường, gờ giảm tốc bị mờ, mòn, hư hỏng; hệ thống chiếu sáng chưa bảo đảm khả năng quan sát cho người điều khiển phương tiện,... nên việc tổ chức giao thông trên cầu mỗi chiều: bố trí 02 làn đường dành cho xe ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h, 01 làn đường dành cho ô tô con và xe mô tô lưu thông hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h là chưa phù hợp tình hình giao thông thực tế.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông khu vực cầu Thanh Trì trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số nội dung sau:

1. Nghiên cứu, điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng:

- Bố trí mặt cầu thành 03 làn đường dành cho xe ô tô và 01 làn đường dành cho xe mô tô; có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe mô tô và làn đường dành cho xe ô tô.

Điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; đồng thời giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép trên làn đường dành cho xe máy là 50km/h;

- Điều chỉnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy, cụ thể:

+ Đối với các làn đường dành cho xe ô tô theo thứ tự từ dải phân cách giữa sang bên tay phải theo chiều đi: Lắp đặt các biển báo hiệu R.412b “Làn đường dành cho xe ô tô con”, R.415 “Biển gộp làn đường theo phương tiện” dành cho xe ô tô khách và xe ô tô tải” và P.127 “Tốc độ tối đa cho phép” 60km/h trên giá long môn hoặc cột cần vươn ở hai đầu cầu; sơn vạch kẻ đường số 2.2 để phân chia các làn xe cùng chiều;

+ Đối với làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ: Lắp đặt các biển báo hiệu R.412g “Làn đường dành cho xe máy và xe đạp”, và P.127 Tốc độ tối đa cho phép” 50km/h trên giá long môn hoặc cột cần vươn ở hai đầu cầu.

- Lắp đặt biển báo nguy hiểm “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn” (W.244 ) và biển chỉ dẫn “Giữ khoảng cách an toàn” (IE.471) phía trước cầu ở cả hai chiều đường.

2. Sơn phản quang hai bên thành cầu và dải phân cách cứng giữa hai chiều đường; lắp đặt bổ sung tiêu phản quang (gắn phía trên dải phân cách mềm) tại các vị trí còn thiếu.

3. Thường xuyên tiến hành duy tu, bảo trì mặt đường, mặt cầu, khe co giãn, điểm vuốt nối giữa hai đầu cầu và đường bảo đảm lưu thông êm thuận; sơn sửa lại vạch kẻ đường.

4. Phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, nâng cấp, khắc phục hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát giao thông đã lắp đặt trên tuyến nhằm bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu quả.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h