Chính quyền buông lỏng quản lý?
Hai thôn Quán Khái và thôn Lý Nhân (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có một đường đê dài gần 10km, nơi đây tiếp giáp với huyện Thái Thuỵ, Thái Bình (cách nhau bởi con sông Hoá). Vì thế đường đê này rất quan trọng trong việc bảo vệ ngăn lũ dòng sông Hoá, cũng là con đường để người dân đi lại. Điều đáng nói hơn 10 năm qua nó lại “oằn” mình để trở thành nơi tập kết của rác, phế liệu…
|
Những bao tải chắn hết đường đi gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Tiến Bảo |
Ghi nhận của PV Giaothonghanoi trên đường đê thuộc địa phận thôn Quán Khái, thôn Lý Nhân bị bao vây bởi hàng trăm đống rác thải, phế liệu, phân gia cầm, rơm làm nấm chất lên từng đống cao từ 60cm đến 2m kéo dài suốt quãng đường đê gần 10km, chiếm gần hết lòng đường đê khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Chưa kể trời mưa, đường trơn, mưa lũ sẽ làm chậm tiến độ trong việc ứng cứu đê điều. Thế mà, tình trạng này đã tồn tại hàng chục năm qua nhưng không được chính quyền để ý giải quyết dứt điểm.
|
Dù mặt đê bị người dân lấn chiếm hàng chục năm nay nhưng chính quyền dường như ngó lơ? Ảnh: Tiến Bảo |
Ông Nguyễn Văn B. thôn Quán Khái nhà gần đê cho biết: các đống phế liệu, gạch nát được chuyển đến từ việc tháo dỡ các công trình xây dựng nông thôn mới. Tình trạng ủ rơm làm nấm, các bao phân gia cầm để bón ruộng để lâu bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường cũng được tập kết ở đây hàng chục năm nay. Điều đáng nói chính quyền nơi đây đã buông lỏng quản lý không xử lý dứt điểm khiến mặt đê lúc nào cũng trong tình trạng “quá tải”.
Hàng ngày, lượng rác thải lớn vẫn còn đó làm cản trở các phương tiện giao thông khi đi lại trên con đường đê này.
|
Đất đá, vôi, gạch nát được chất đống trên mặt đê. Ảnh: Tiến Bảo |
Có hiện tượng đánh trống bỏ dùi?
Trao đổi với PV Giaothonghanoi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Thịnh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong thừa nhận “có tình trạng lấn chiếm mặt đê. Riêng hiện tượng dùng mặt đê ủ rơm làm nấm diễn ra hơn mười năm nay đã là thói quen của bà con. Nguyên nhân xã chậm xử lý là do quan hệ làng xóm họ mạc…
|
Những bao tải chứa nguyên liệu làm nấm được chất cao trên mặt đê xã Vĩnh Phong. Ảnh: Tiến Bảo |
|
Mặt đê "oằn mình" khiến người dân mất lối tham gia giao thông. Ảnh: Tiến Bảo |
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Vĩnh Bảo cho biết “tuyến đê tại xã Vĩnh Phong do Hạt quản lý, chúng tôi thừa nhận có nhiều bãi rác thải, phế liệu đổ trên mặt đê. Chúng tôi có nhắc nhở nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đó. Cách một ngày chúng tôi đi kiểm tra cũng không ăn thua, vì ở đây gần như là thói quen nếp sống sinh hoạt của bà con?”…
|
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hạt trưởng hạt quản lý đê điều huyện Vĩnh Bảo cho biết cách một ngày đi kiểm tra nhưng cũng không ăn thua. Ảnh: Vĩnh Quân |
|
Mặt đê chịu trận, người dân gần như mất lối đi. Ảnh: Tiến Bảo |
Đã đến lúc cần sự vào cuộc của cấp thẩm quyền cao hơn để ngăn chặn và xử lý những hành vi lấn chiếm hành lang đê điều, gây cản trở giao thông và khó khăn trong việc khi ứng trực lũ lụt.
Đê điều là hạng mục công trình đặc biệt quan trọng của quốc gia. Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Theo đó, việc tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép là bất hợp pháp. Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải “Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và “Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền”. |