|
Gian nan cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ |
Nếu ở các quận trung tâm, lòng đường, vỉa hè là nơi “hái” ra tiền trăm, bạc triệu mỗi ngày, thì ở các quận mới, ngõ hẻm, vỉa hè cũng là “cần câu cơm” của bất kỳ gia đình nào có tư gia “ló” một chút mặt tiền! Tại các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… chẳng thấy mấy ai dám dừng đỗ xe ở cửa nhà này mà sang nhà khác mua đồ hoặc uống một cốc trà đá. Nhẹ thì bị nhắc nhở, cảnh báo “dịch chuyển đúng vị trí mua hàng”. Nặng thì tức khắc sẽ bị ăn chửi hoặc “vẽ” lên thành xe… ấy là những nơi lòng đường được phép dừng đỗ.
Tại các con phố như Nguyễn Trường Tộ, Yên Ninh, Quán Thánh (quận Ba Đình), chỉ cần mở cửa xe, tức khắc sẽ có người hướng dẫn bạn dừng đỗ, bởi sau đó bạn phải trả tiền phí. Nhưng trớ trêu ở chỗ nếu hỏi vé đâu thì… không có, bởi những người trông xe tại mấy con phố này chẳng thuộc cơ quan, ban ngành nào! Sau mấy đận chỉ đạo “sát ván” của TP, vỉa hè tạm thông thoáng được một thời gian nhưng rồi đâu lại đóng đó, không ít nơi lại tái phạm, bởi hàng hóa, quán nước chiếm dụng.
Đấy là chuyện ở nơi trung tâm, còn những quận ven đô, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè có vẻ còn trầm kha hơn. Tại quận Thanh Xuân, ở những vị trí đắc địa của đường Lê Văn Lương, người đi bộ đã “nhường” vỉa hè cho mấy cửa hàng kinh doanh xe 4 bánh. Biểu hiện rõ nhất của việc “tư hữu hóa” không gian chung (như vỉa hè, lòng đường, sân tập thể) là tại các khu chung cư như Thanh Xuân Bắc, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên. Tại đây, người ta tận dụng tối đa khoảng trống để trông xe, dựng nhà di động làm nơi kinh doanh ăn uống. Bát đĩa, xoong chảo, nồi niêu, bàn ghế được bày biện phục vụ khách khứa ăn uống như… nhà hàng.
Những điều này chính quyền địa phương đều biết cả. Hàng ngày, lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở, xử lý... nhưng khi rút đi lại đâu vào đó. Cuộc chiến giành lại vỉa hè, không gian chung vì thế vẫn còn lắm gian nan.