Gỡ nút thắt, giành lại vỉa hè cho người đi bộ

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những năm qua, Hà Nội đã nhiều lần hạ quyết tâm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, tuy nhiên chưa đạt kết quả như mong muốn.

Vậy làm thế nào để chủ trương đúng ấy đi vào cuộc sống nhanh hơn?

Bài 1: Sắp xếp phương tiện – hay dở lẫn lộn

Nhằm đảm bảo việc đi bộ của người dân được tiện lợi, từ năm 2018, TP Hà Nội đã ban hành quy định về việc tổ chức xắp xếp phương tiện trên vỉa hè. Nhưng do diện tích vỉa hè không đồng nhất, chỗ rộng chỗ hẹp đã khiến việc sắp xếp phương tiện vô tình trở thành bài toán khó trong công tác đảm bảo trật tự đô thị.

Go nut that, gianh lai via he cho nguoi di bo - Hinh anh 1
Tại nhiều tuyến đường, vỉa hè không đủ diện tích sắp xếp phương tiện nhưng vẫn được sơn kẻ. Ảnh: Công Trình 

Những bất cập khi triển khai

Tại Điều 10, Quyết định 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, tại những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn trên hè phố; các phương tiện phải được sắp xếp ngăn nắp, trật tự, đảm bảo người đi bộ đi lại thuận tiện, thông thoáng, không phải đi vòng tránh các vị trí đỗ xe đạp, xe máy. Phần hè phố còn lại (không bao gồm phần hè đang bố trí cây xanh, cột điện, biển báo và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác) dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m.

Cũng tại quyết định này quy định, xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m. Trường hợp đặc thù thực hiện theo phương án khác, UBND cấp huyện căn cứ thực tế hè phố xây dựng phương án để xe đạp, xe máy, đề xuất Liên ngành Sở GTVT - Công an TP Hà Nội thống nhất, chấp thuận, phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m và các quy định nêu trên.

Có thể nói, đây là một trong những quy định rất hợp lý khi đã chạm được đến vấn đề nóng – nhu cầu đi lại của người đi bộ. Thế nhưng, như đã nói, việc diện tích vỉa hè các tuyến đường ở Hà Nội không đồng nhất, chỗ nhỏ, chỗ rộng khiến chủ trương này vô tình lại trở gánh nặng đối với người đi bộ.

Nói như vậy là bởi, theo ghi nhận thực tế của phóng viên cũng như phản ánh từ cơ sở, tại một số tuyến đường như Đội Cấn, Trương Định, Nguyễn Đình Thi…, vỉa hè nhiều đoạn còn không đủ chiều rộng để người dân để xe máy, chưa nói đến 1,5m tối thiểu dành cho người đi bộ - tức là không đủ diện tích xắp xếp phương tiện. Thế nhưng, dù không đủ điều kiện nhưng chính quyền các địa phương vẫn tiến hành sơn kẻ vạch, tổ chức xắp xếp phương tiện khiến nhiều người không khỏi ngao ngán.


Bà Nguyễn Thị Hoa, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết: “Quy định là thế nhưng đường Trương Định nhiều đoạn chiều rộng vỉa hè chưa đến 1m cũng bị đè ra để sơn kẻ vạch, chia 50/50 – người đi bộ khoảng 50cm, chỗ còn lại để xe còn khó nói gì đến đi bộ”.

Linh hoạt nhưng không cứng nhắc

Chủ trương sắp xếp phương tiện để lại tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ là hoàn toàn đúng đắn và thực tế đã chứng minh điều này. Đơn cử, tại một số tuyến đường nhu Trung Kính, Láng Hạ, Nguyễn Khánh Toàn…, nơi vỉa hè đủ rộng để tổ chức sắp xếp phương tiện, hiện nay vỉa hè đã thông thoáng, khang trang, đáp ứng được nhu cầu đi bộ của người dân. Trong khi đó, tại các tuyến đường chiều rộng không đủ hoặc đủ nhưng lại vướng hệ thống cây xanh thì việc thực hiện cứng nhắc lại khiến bộ mặt đô thị trở lên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Go nut that, gianh lai via he cho nguoi di bo - Hinh anh 2
 Tại nhiều tuyến đường, vỉa hè không đủ diện tích sắp xếp phương tiện nhưng vẫn được sơn kẻ. Ảnh phố Trương Định. Ảnh Công Trình

Liên quan đến vấn đề này, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Tổng Thư ký, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, vỉa hè là hệ thống hành lang không gian giao thông – văn hóa – kinh tế xanh của đô thị. Đó cũng là hành lang văn hóa đặc trưng của Thủ đô, không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phản chiếu “sức sống” của đô thị Hà Nội trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập sinh thái đô thị. Thế nhưng, việc tổ chức sắp xếp phương tiện cần phải đảm bảo việc đi lại của người dân, không thể đánh đổi quyền, lợi ích, an toàn của người đi bộ lấy phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, lãnh đạo UBND nhiều phường trên địa bàn Hà Nội cho rằng, các đơn vị chức năng cần phải xem xét lại việc sắp xếp phương tiện trên vỉa hè. Cụ thể, các cơ quan chức năng nên xem xét đưa xe đạp, xe máy sắp xếp ra phần vỉa hè sát với lòng đường thay vì sát với tường nhà dân như hiện nay. Điều này sẽ tạo không gian thoáng đãng, tránh được nguy cơ người đi bộ đâm phải các gốc cây.

Đây là đề xuất hoàn toàn có cơ sở để áp dụng, triển khai nhân rộng. Tuy nhiên, với phương án này, chính quyền địa phương sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bởi, nếu kiểm soát không tốt, khu vực phía trong tường nhà sẽ bị chiếm dụng làm nơi bày bàn ghế, hàng hóa phục vụ đích kinh doanh. Và khi đó, thiệt thòi nhất vẫn là người đi bộ...

(Còn nữa)

VÂN NHI/KTĐT

Tin liên quan