Grab “vòi” tiền Tết, hành khách lẫn tài xế đều bức xúc

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hãng gọi xe công nghệ Grab vừa gửi đi thông báo cho biết sẽ áp dụng "Phụ phí Tết Nguyên đán". Nhiều hành khách và cả tài xế tỏ ra bức xúc khi phí này được cộng trực tiếp vào giá cước.

Đối tác bức xúc

Mới đây, trên trang web chính thức của hãng Gab tại Việt Nam có thông báo đơn vị này sẽ thu phụ phí Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023. Theo thông báo này, khách hàng sẽ phải trả thêm phụ phí từ 5.000 đến 15.000 đồng. Thời gian được áp dụng từ ngày 20/1 đến hết ngày 26/1. Việc thu thêm phụ phí sẽ được áp dụng cho tất cả các dịch vụ của hãng này.

Theo thông báo của Grab Phụ phí được cộng trực tiếp vào giá cước chuyến xe/đơn hàng, đã bao gồm thuế GTGT và được khấu trừ theo tỷ lệ chia sẻ doanh thu với Grab. Đơn vị này yêu cầu tài xế thu đúng giá cước hiển thị trên biên nhận khi hoàn thành chuyến xe/đơn hàng, tuyệt đối không thu thêm tiền của hành khách và người dùng.

Cụ thể, dịch vụ GrabBike (GrabBike, GrabBike Economy, GrabBike Plus) sẽ áp dụng mức phụ phí 5.000 đồng/chuyến xe. Các tỉnh/thành phố áp dụng cho cho mức phụ phí này gồm: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bình Định, Cà Mau... Với dịch vụ GrabCar (GrabCar 4 chỗ, GrabCar 7 chỗ, GrabCar Economy, GrabCar Plus, Grab Tỉnh) sẽ áp dụng mức phụ phí 15.000 đồng/chuyến. Các tỉnh/thành phố áp dụng gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đắk Lắk, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Nghệ An, Lâm Đồng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Grab “voi” tien Tet, hanh khach lan tai xe deu buc xuc - Hinh anh 1
Mới đây, trên trang web chính thức của hãng Gab tại Việt Nam có thông báo đơn vị này sẽ thu phụ phí Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023. 

Còn GrabFood sẽ có mức phụ phí 5.000 đồng/đơn hàng, áp dụng cho các tỉnh/thành phố: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đắk Lắk, Cần Thơ, Bình Định, Bình Thuận, Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa, Tiền Giang, Tây Ninh, Cà Mau. Tương tự GrabMart cũng áp dụng mức phí 5.000 đồng/đơn hàng áp dụng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Hải Phòng. GrabExpress Siêu Tốc, GrabExpress Siêu Tốc (Thực phẩm), GrabExpress Siêu Tốc - 2H áp dụng mức phí 5.000 đồng/đơn hàng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hà Nội.

Như vậy, khoản phụ phí Tết sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước, khiến nhiều tài xế cũng rất băn khoăn. Đây đồng thời là nỗi trăn trở của cả tài xế và khách hàng.

Tài xế  Grab N.T.T cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được thông báo hãng Grab sẽ thu thêm phụ phí trong dịp Tết. Như thông báo thì đồng nghĩa với việc khoản phụ thu mà Grab áp dụng vẫn sẽ được chia theo tỉ lệ giữa tài xế và hãng”.

Đáng nói, thay vì cảnh nhặt nhạnh của cánh tài xế “phơi mặt” chở khách ngoài đường, phần trăm mà Grab thu về từ hàng ngàn cuốc xe mỗi ngày sẽ trở thành khoản lợi nhuận rất lớn. 

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền trú tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hàng ngày sử dụng xe công nghệ, xe taxi để đi lại. Thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng mạnh, hãng Grab tăng giá vận chuyển. Đến nay, giá xăng dầu giảm sâu nhưng hãng xe thì vẫn giữ nguyên giá cước. Nay lại thu phụ phí Tết, tôi sẽ lựa chọn phương tiện khác để đi lại”.

Chị Thu Huyền cho rằng việc Grab thu phụ phí Tết, mà tài xế lại không được nhận 100% số tiền này tạo cho khách hàng cảm giác như bị móc túi. 

Cần quản lý chặt

Trước đó vào tháng 7/2022, Grab đã thông báo áp dụng "phụ phí nắng nóng" với các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô hai bánh, gồm GrabBike, GrabFood, GrabMart và GrabExpress tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số khu vực khác từ ngày 6/7/2022.

Tại thời điểm đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đề nghị Công ty TNHH Grab và các hãng xe công nghệ rà soát chính sách kinh doanh đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do hạn chế về thiết lập hệ thống, đặc biệt là trong việc tự động tách bạch và phân chia doanh thu để có thể hạch toán 100% nguồn thu (sau thuế) từ phụ phí này cho đối tác tài xế, đồng thời cũng gặp phải sự phản ứng từ chính các đối tác tài xế và người tiêu dùng nên Grab đã ngừng áp dụng “phụ phí nắng nóng” kể từ ngày 7/7/2022.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc hãng vẫn thu chiết khấu có nghĩa Grab đang hưởng một phần quyền lợi của tài xế và đối tượng “tài trợ” chính là người dùng.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, với chính sách thu phụ phí Tết, khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi. Mặc dù số tiền này được thông báo là dành cho tài xế, tuy nhiên lại được gộp vào giá cước, như vậy nghiễm nhiên hãng Grab sẽ được hưởng lợi từ số tiền phụ phí Tết.

“Grab chỉ là đơn vị kết nối trên phần mềm. Bản chất trong phần mềm kinh doanh thì lâu nay họ không có gì phải điều chỉnh, không gia tăng chi phí vận hành thì tại sao lại phải tăng cước phí, tỉ lệ phần trăm? Theo tôi, bản chất ở đây là Grab đang trá hình nâng thu chiết khấu” - Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương nhận định.  

Thạc sĩ Hoàng Thị Thu phương cho biết, đây là lần thứ 2 hãng Grab tự động ra thông báo về việc thêm phụ phí. Những hành động này cho thấy hãng dịch vụ Grab đang hoạt động, phát triển tại Việt Nam một cách tự do trong khi đơn vị quản lý lại tỏ ra lúng túng.

“Cần có những biện pháp thắt chặt hoạt động của đơn vị này, xin cấp phép tại địa phương đó. Khi công nhận chính thức là một đơn vị kinh doanh vận tải thì phải công khai giá cước trên phần mềm và quản lý giá cước theo quy định” – Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ thêm.

Tin liên quan