Hà Nội: “Cảng chui” và xe quá tải hoành hành ở Gia Lâm

 
Chia sẻ

Như một quy trình khép kín, sau khi bốc hàng tại “cảng chui” tại khu vực Dốc Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) hàng loạt những chiếc xe tải gắn lô gô “H” và “H-T”... chở vượt khung lặc lè trườn qua đê sông Đuống, rồi xuống đường Ỷ Lan, vượt qua các “chốt” để về khu công nghiệp Phố Nối mà không vấp bất cứ sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Bến hóa cảng” nghìn tấn

Không biết từ bao giờ, khu vực Dốc Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lại trở thành một “bến cảng” tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng của tàu thuyền có trọng tải hàng trăm tấn từ khắp nơi đổ về đây.

Một người dân sinh sống gần khu vực Dốc Lời cho biết, nơi đây vốn là một bến đò nhỏ cho thuyền neo đậu, nhưng nay đã hóa thành cảng. Bởi, nơi đây thường xuyên có các tàu tải trọng lớn về neo đậu, chuyển tải hàng hóa. Hàng hóa được tập kết khá đa dạng và phong phú, từ nông sản cho đến sắt thép, vật liệu xây dựng…

Sau nhiều này tìm hiểu, quan sát, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận được hoạt động của bến cảng này và phát hiện ra những kỳ lạ...

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 1
Hà Nội: “Cảng chui” và xe quá tải hoành hành ở Gia LâmKhu vực Dốc Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) đang trở thành một “bến cảng” tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng


Tại khu vực bến cảng này không có cầu tàu, cũng như không có các thiết bị cố định phục vụ việc bốc xếp hàng hóa. Tuy nhiên, các tàu thuyền, sà lan trọng tải lớn thường xuyên cập bến và neo đậu tại cảng này, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn ra, vào bốc xếp hàng hóa. Hàng hóa được tập kết khá đa dạng và phong phú, từ nông sản cho đến sắt thép, vật liệu xây dựng…

Thêm nữa, khu vực này được “canh gác” rất cẩn mật, người ngoài rất khó tiếp cận với “bến cảng” này, vì chỉ cần lò dò bước vào “lãnh địa” này sẽ được “hỏi thăm”. Thực tế, trong quá trình tìm hiểu về hoạt động của bến cảng này, phóng viên nhiều lần tiếp cận sâu vào bến cảng nhưng luôn có những người lạ mặt đến hỏi han và xua đuổi.

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 2
Dường như “binh đoàn” xe tải có gắn lô gô "T" và "HT" đều có dấu hiệu chở quá tải nhưng hoạt động theo kiểu “xe vua”.

Dường như, khu vực bến cảng này đang hoạt động theo một quy trình khép kín. Cụ thể, khi các tàu hàng cập bến và xuống tải hàng hóa, ngay lập tức những chiếc xe tải gắn lôgô ký hiệu ‘T’ và ‘HT’ ào ạt xuống bốc hàng và di chuyển trên đê sông Đuống, rồi xuống đường  đường Ỷ Lan, hướng theo QL5 đi về khu công nghiệp Phố Nối (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Đặc điểm nhận dạng của đoàn xe này là đều được gắn lôgô mang nhãn hiệu ‘T’ và ‘HT’...

Điều đáng nói, những “binh đoàn” xe tải này đều có dấu hiệu chở quá tải nhưng dễ dàng vượt qua cung đường hàng chục km, qua các “chốt”, qua trụ sở Công an huyện Gia Lâm mà không bị dừng kiểm tra. Dường như, những chiếc xe tải này đang hoạt động theo kiểu “xe vua”.

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 3
Hoạt động của bên cảng khu vực Dốc Lời kéo theo vấn nạn xe quả tải

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, xã có 3 doanh nghiệp được cấp phép cho thuê đất kinh doanh bến bãi ven đê sông Đuống, gồm Công ty Hà Trang; Công ty CP xây dựng Gia Lâm, Công ty An Thịnh.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động của Công ty An Thịnh là quy mô hơn cả. Tại đây, mọi hoạt động bốc dỡ hàng hóa diễn ra cả ngày lẫn đêm chủ yếu vẫn là Công ty An Thịnh.

“Xe vua” hoành hành

Để kiểm chứng về “binh đoàn” xe vua mang lô gô “T” và “HT” hoàng hành trên địa bàn huyện Gia Lâm như thế nào, phóng viên đã dành nhiều ngày tại Dốc Lời để quan sát và bám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Dốc Lời về phố Nối (Hưng Yên). Qua đó, nhận thấy, các xe tải mang lô gô “T” và “HT” đều cơi nới, hoán cải để trở hàng hóa vượt tải trọng thiết kế. Bởi vậy, các xe này đều có dấu hiệu quá tải, tuy nhiên khi lưu thông trên cung đường nêu trên, đều vượt qua chốt kiểm tra của lực lượng CSGT trên QL5 một cách dễ dàng và thành thạo.

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 4
Xe tải mang BKS: 89C-167.49 có gắn logo ‘T’ có dấu hiệu quá tải nhưng vẫn vượt qua chốt kiểm soát giao thông một cách dễ dàng

Cụ thể, sáng ngày13/10, sau khi múc đầy cát, xe Howo mang BKS: 89C-167.49 đeo logo ‘T’ từ công trường khai thác cát của Công ty An Thịnh (Đặng Xá, huyện Gia Lâm) liền “ì ạch” bò ra con đường đê sông Đuống. Từ đây, chiếc xe tiếp tục đi ra đường Ỷ Lan, vượt qua chốt kiểm soát giao thông thuộc Đội CSGT-TT (Công an huyện Gia Lâm) rồi lao vun vút về hướng QL5.

Trích xuất dữ liệu đăng kiểm cho thấy xe BKS: 89C-167.49 có thể tích hơn 15m3, chỉ cần chở đầy thành thùng cát đã có tải trọng lên đến 50 tấn (hệ số vật liệu 1,5-1,7, tùy khô, ướt). Trong khi khối lượng hàng hóa cho phép tham gia giao thông chỉ 17 - 20 tấn, ước vượt tải trọng trên dưới 150%. Đó là chưa kể phần cơi nới thành thùng cao gần 1,5 mét và phần chở có ngọn.

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 5
Những chiếc xe quả tải chen lấn nhau, hoành hành trên nhiều cung đường của huyện Gia Lâm

Cũng trong ngày 13/10, chiếc xe tải mang BKS: 89C-050.54 chở cát “có ngọn”, nước chảy ròng xuống đường, thành thùng cơi nới cao gần 50cm. Trích suất dữ liệu đăng kiểm cho thấy chiếc xe ướt quá tải từ 50-100%, chưa kể phần cát chở “có ngọn”.

Tương tự, chúng tôi còn ghi nhận hàng loạt xe BKS: 89C-010.26, 29C-439.34, 89C-059.74… có thành thùng cơi nới thành thùng và có dấu hiệu quá tải khi di chuyển từ khu Dốc Lời ra QL5.

“Thông chốt” nhờ lô gô?

Sau một thời gian tiếp cận với một lái xe trong “binh đoàn” xe tải nêu trên, phóng viên được biết, hầu hết các xe tải cập bến Dốc Lời “ăn hàng” đều chở quá tải so với quy định.

Bằng nghiệp vụ, sau nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên đã tiếp cận được với một tài xế tên T* để học hỏi kinh nghiệm lái xe tải. Anh T* là một trong những tài xế thường xuyên vào khu vực Dốc Lời để lấy cát vận chuyển đi các công trường theo đơn hàng của công ty. Chiếc xe của anh T* là một chiếc xe tải nhãn hiệu HoWo có trọng tải 17 tấn, tuy nhiên, anh T* cho biết, theo yêu cầu của công ty, anh thường xuyên phải chở quá tải dù biết đi trên đê sông Đuống rất nguy hiểm.  “Xe 17 tấn nhưng phải tận dụng chở khoảng 40 tấn, gấp hơn 2 lần tải trọng”, tài xế T* nói.

Khi chúng tôi tỏ ra e ngại vì quá tải bị phạt rất nặng thì anh T* cười xòa nói “Đưa lên bàn cân, thì xe này phạt 50 triệu đấy nhưng lo xong rồi”.

Ha Noi: “Cang chui” va xe qua tai hoanh hanh o Gia Lam - Hinh anh 6
Những chiếc lôgô mang ký tự "T" hoặc "HT" được xem như "bùa hộ mệnh" trong việc thông chốt

Để chứng minh điều vừa nói, anh T* cho chúng tôi đi chung xe và điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là chiếc xe tải của anh T* dễ dàng “thông chốt” CSGT trên QL 5. Dù thời điểm chúng tôi đi qua QL5, một tổ công tác của CSGT đang làm nhiệm vụ, nhiều xe bị dừng kiểm tra, nhưng xe anh T* thì vẫn “bình an vô sự”.

 Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, anh T* cười và chỉ vào đầu xe – nơi có lô gô ký hiệu ‘HT’ và bảo đó là “bùa” hộ mệnh để không bao giờ bị “hỏi thăm” vặt?

Theo Pháp luật VN

Tin liên quan