Biển cảnh báo hố sâu nguy hiểm được lắp đặt tại dự án thành phần Bãi Vọt- Hàm Nghi đoạn qua xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc
Ngày 25/6, báo Kinh tế & Đô thị đăng bài viết “Hà Tĩnh: nguy cơ mất an toàn trên công trường cao tốc Bắc- Nam”. Nội dung phản ánh tại gói thầu 11-XL (do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex thi công) xảy ra vụ sạt lở đất khiến 2 nữ công nhân thương vong.
Đặc biệt, gần khu vực xảy ra sạt lở có nhiều hố nước sâu không được lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm. Tại những hố nước này trẻ em vô tư đùa giỡn, leo trèo trên những mô đất cao, thậm chí nhiều em còn lao xuống tắm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước khó lường.
Ngoài ra, khu vực thi công dự án có nhiều vị trí giao cắt với các tuyến đường dân sinh, lưu lượng người và phương tiện qua lại đông nhưng chưa được lắp đặt hệ thống cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông theo quy định. Những tồn tại, bất cập này gây nhiều lo lắng cho người dân vùng dự án về nguy cơ mất an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.
Sáng ngày 27/6, phóng viên tiếp tục trở lại hiện trường gói thầu 11-XL đoạn qua xã Xuân Lộc và Quang Lộc huyện Can Lộc. Ghi nhận tại đây cho thấy ở những vị trí có hố nước sâu, nhà thầu thi công đã cho lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời cắt cử người trực gác nhắc nhở, ngăn cấm không cho người dân, trẻ em đến gần.
“Khu vực thi công dự án có những mô đất đắp cao gần 10m, nhiều hố nước sâu, dịp hè trẻ em ra tắm là rất nguy hiểm, bởi dễ xảy ra sạt lở hoặc đuối nước khó lường. Việc nhà thầu thi công lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn được dư luận đồng tình cao, góp phần phòng ngừa xảy ra tai nạn” - ông Đinh Văn Nhân ở xã Quang Lộc cho biết.
Dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi phạm vi thi công kéo dài hơn 35km (Km479+117-Km514+441) đi qua nhiều sông suối, ao hồ, đường dân sinh và các khu dân cư đông người sinh sống. Bên cạnh việc huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thì công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường là yếu tố quan trọng đang được chủ đầu tư và nhà thầu thi công chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Công - Giám đốc Ban điều hành gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt- Hàm Nghi (thuộc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex) cho biết, hiện nay dự án đã đạt trên 50% sản lượng thi công và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu hoàn thành đắp đất tuyến chính trước 30/9/2024.
“Sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, đơn vị đã tập trung rà soát, nhanh chóng lắp đặt bổ sung các biển báo an toàn giao thông, an toàn lao động trên phạm vi công trường thi công. Trong đó chú trọng khoanh vùng, cảnh báo khu vực hố nước sâu nguy hiểm, nền đất chưa ổn định để mọi người chủ động phòng tránh an toàn” - ông Phạm Thế Công thông tin.
Tại buổi làm việc với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi) cho biết, chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu kiểm tra, rà soát lại tổng thể về công tác đảm bảo an toàn trên công trường thi công dự án. Yêu cầu lắp đặt hệ thống cảnh báo và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, tổ chức san gạt các hố không để nước ngập sâu trên 1m.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm. Quá trình thi công dự án hiện trường để lại là những hố nước sâu, những mô đất cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đuối nước khó lường. Việc chủ đầu tư và các đơn vị thi công triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo trên công trường được cho là biện pháp quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn, thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Văn Chương