Vụ tai nạn trên, xảy ra vào lúc 7h40, ngày 10-5-2019, nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường qua số nhà 232 Lê Duẩn (phường Trung Phụng, Đống Đa).
Vụ người tham gia giao thông tránh xe máy đi ngược chiều, bị xe bus cán tử vong trước nhà số 232 Lê Duẩn vào sáng ngày 10-5-2019
Theo đoạn video trích xuất từ nhà dân gần đó cho thấy, vào thời điểm trên, nạn nhân đi một chiếc xe máy ga màu xanh, di chuyển từ Lê Duẩn hướng ra đường Giải Phóng, đến số nhà 232 Lê Duẩn thì gặp một phương tiện đi xe máy số màu đỏ di chuyển ngược chiều. Bất ngờ trước tình huống đó, nạn nhân tránh phương tiện di chuyển ngược chiều nên bị ngã xuống nền đường, cùng lúc ấy một chiếc xe bus di chuyển với tốc độ cao hướng về điểm xe bus cách đó chừng 10m, từ phía sau lao lên và cán chết.
Đoạn đường qua số nhà 232 Lê Duẩn, nơi xảy ra vụ tai nạn sáng ngày 10-5-2019
Việc người đi xe máy đi ngược chiều, cộng với việc xe bus di chuyển với tốc độ cao, không tạo khoảng cách an toàn khi vào điểm bus đã gián tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông đau lòng kể trên.
Điều đáng nói, 10 ngày sau vụ việc trên, dù việc đi ngược chiều đã gián tiếp gây ra cái chết của một người tham gia giao thông, tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều, lấn làn đường vẫn diễn ra, với tần suất 15 phút xảy ra hàng trăm vi phạm giao thông (khảo sát chiều ngày 21-5-2019).
Trước đó, đường Lê Duẩn vẫn là một điểm đen về tai nạn giao thông, đã có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, vụ xe bus cán chết người (24-10-2011), vụ xe bus cán chết người (10-3-2018), vụ người đi xe máy lao vào vỉa hè trước số nhà 291 Lê Duẩn và tử vong (15-8-2018),...
Xe bus cán chết người đi xe máy trên đường Lê Duẩn (đoạn qua số nhà 422) vào ngày 10-3-2018 (Nguồn: ATGT)
Với vị trí phức tạp, đường Lê Duẩn chạy qua các quận đông dân cư, cắt ngang nhiều tuyến phố, có nhiều ngõ thông ra đường chính, dẫn tới mật độ lưu thông trên tuyến phố này rất cao, nhất là vào giờ cao điểm; cộng với khổ đường hẹp (đường 2 chiều, 4 làn, rộng từ 12-15m), chạy song song với đường sắt nên khiến việc lưu thông của các phương tiện giao thông qua tuyến phố này gặp nhiều khó khăn, do đó nếu người tham gia giao thông không tuân thủ luật thì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.
Bởi vậy để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên đường Lê Duẩn, ở các điểm giao cắt đều có trạm gác của CSGT (ngã năm Cửa Nam, ngã tư Khâm Thiên, ngã tư Kim Liên...). Bên cạnh đó, giữa lòng đường có phân hướng bằng vạch liền và vạch đứt, chỉ tại những điểm giao cắt với các tuyến phố, các điểm ngõ dân cư, trước cổng Công viên Thống Nhất (mặt đường Lê Duẩn)... mới có vạch đứt để các phương tiện giao thông rẽ sang hoặc quay đầu, còn lại trên toàn tuyến đường đều là vạch liền để đảm bảo cho an toàn cho người tham gia giao thông từ các hướng.
Tuy nhiên, dù luật giao thông đã quy định rõ ràng việc người tham gia giao thông không được đi ngược chiều và lấn làn đường, và có sự giám sát của CSGT tại các ngã tư, nhưng tại những địa điểm không có CSGT giám sát nhiều người vẫn vi phạm. Anh Mai Xuân Trung (50 tuổi), hộ dân sống trên tuyến phố này cho biết, tình trạng người tham gia giao thông di chuyển ngược chiều (cả xe máy và ô tô), lấn làn đường trên tuyến đường này đã có từ lâu, nhất là vào giờ cao điểm.
“Nhiều người đi xe máy di chuyển từ ngõ ra, mật độ phương tiện giao thông cao khiến họ chưa sang được đường, thay vì chờ đợi, nhiều người lựa chọn di chuyển ngược chiều – đi sát lề đường của hướng ra Giải Phóng, để hướng ra phố Trần Nhân Tông, Khâm Thiên...”, anh Trung chia sẻ thêm.
Người đi xe máy di chuyển ngược chiều qua đoạn đường xảy ra vụ tai nạn giao thông vào sáng 10-5-2019
Việc các phương tiện giao thông di chuyển ngược chiều, lấn làn đường khiến tình trạng xe đối đầu xe thường xuyên xuất hiện, nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra, nhẹ thì bị trầy xước, nặng thì vào bệnh viện, nghiêm trọng hơn là mất mạng.
Ông Vũ Quang Minh (86 tuổi, quận Đống Đa), người đi xe máy lưu thông trên tuyến đường này cho biết: “Cách nay 2 tháng, khi đang lưu thông trên đường Lê Duẩn, một người từ hướng đường ngược lại lấn sang hướng đường tôi lưu thông, xảy ra va chạm với tôi, tôi bị ngã trầy xước đầu gối và rạn xương hông, phải nằm bệnh viện điều trị mất 2 tháng mới có thể đi lại được”.
Người đi xe máy di chuyển ngược chiều, từ Lê Duẩn hướng ra Đại Cồ Việt
Ô tô và xe máy lấn sang vạch liền, di chuyển ngược chiều trên đường Lê Duẩn - hướng ra ngã tư Kim Liên
Trước tình trạng đó, nhiều người khi lưu thông vào đây cảm thấy mất an toàn. Để hạn chế tình trạng này, họ bày tỏ mong muốn, “Vào giờ cao điểm, cần tăng cường một vài đồng chí CSGT đứng ở khoảng giữa 2 ngã tư (Khâm Thiên và Kim Liên) thì hiện tượng trên sẽ giảm.
Bởi tâm lý của những người tham gia giao thông khi thấy lực lượng chức năng đứng chốt thì sẽ ngại vi phạm, và trách nhiệm chấp hành luật giao thông của họ sẽ được nâng lên. Còn không thì họ vẫn vi phạm, nhất là đối với người tham gia giao thông ở lứa tuổi thanh niên, cứ đi, không ngán gì, không đội mũ bảo hiểm, lao về trước… sợ lắm”, ông Nguyễn Viết Huệ (73 tuổi, quận Đống Đa) chia sẻ.