Bức tử môi trường
Theo phản ánh của đông đảo người dân tại thôn Thịnh Thôn, nhiều năm qua họ đã phải chung sống với khói bụi, chất thải độc hại, tiếng ồn và những rủi ro về giao thông tại khu vực xung quanh trạm trộn bê tông do Chi nhánh Công ty CP Vinaconex 21 (Vinaconex 21) xây dựng tại đây.
Ghi nhận thực tế cho thấy, phản ánh của người dân là chính xác. Trạm trộn bê tông do Vinaconex 21 xây dựng có quy mô khoảng 6.000m2, nằm ngay đoạn đầu vào Thịnh Thôn, cách QL32 khoảng vài trăm mét. Trạm trộn bê tông này giống như một cỗ máy bức tử môi trường khổng lồ, thải bụi, xi măng, nước bẩn ra xung quanh. Trong bán kính vài chục mét quanh trạm, bụi xi măng đóng mảng trên cây cối, phủ trắng nhà dân.
Một nhà dân gần khu vực trạm trộn phải căng bạt để che những lớp bụi xi măng.
Những vết rạn nứt xuất hiện trong những căn nhà xung quanh khu vực trạm.
Nước thải lẫn xi măng đục ngầu chảy thẳng vào mương nước bên cạnh. Dọc đường bờ mương, bột xi măng được vùi lấp hoặc chất đống; sục tay vào bất cứ vị trí nào xung quanh tường rào trạm cũng móc lên được bột xi măng khô hoặc ướt. Theo thông tin người dân cung cấp, trạm trộn bê tông này còn cho xe múc đất lên, đổ chất thải xuống rồi vùi lấp lại.
Một người dân (xin giấu tên) cho biết, xe tải nặng ra vào liên tục, cộng với máy trộn công suất lớn gây rung lắc khiến cuộc sống của các hộ gia đình ở đây bất an, nhất là những nhà có con nhỏ. “Ở trong nhà thì bị tiếng ồn tra tấn, ra đường thì sợ xe trộn, xe tải gây tai nạn. Nhiều căn nhà xung quanh khu vực trạm trộn đã bị lún, nứt; sửa xong lại nứt, trước khi trạm trộn những hiện tượng này không xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không được giải quyết” - Người này cho hay.
|
Trạm trộn bên tông của Vinaconex 21 hoạt động bất kể giờ giấc. |
|
Biển cấm xe trọng tải do người dân tự cắm. |
Chính quyền vô cảm?
Liên quan đến trạm trộn bê tông của Vinaconex 21 tại thôn Thịnh Thôn, chuyên viên phòng Quản lý đô thị Lê Mạnh Hùng, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, trạm trộn không được cấp phép xây dựng. Ô đất lắp đặt trạm chỉ được cấp phép làm điểm trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng cho Vinaconex 21. Tuy nhiên, đơn vị này đã cho xây dựng trạm trộn từ năm 2017. Từ đó tới nay, UBND huyện Ba Vì và các đơn vị liên quan đã ra Quyết định xử phạt hai lần với trạm trộn này, yêu cầu tự tháo dỡ. Nhưng thực tế là trạm vẫn tồn tại, hoạt động không ngừng nghỉ suốt 4 năm qua trong khi chính quyền vẫn kiểm tra, ra văn bản, còn người dân phải cố gắng chịu đựng cuộc sống như bị tra tấn bởi cơ sở bức tử môi trường này.
Chủ tịch UBND xã Cam Thượng Quách Văn Phong cho hay: “Xã chưa từng nhận được bất cứ đơn thư nào của Nhân dân liên quan đến trạm trộn này”. Ông Phong còn cho rằng, khi có một cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, việc ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi (?). Vị Chủ tịch UBND xã này thông tin thêm, trạm trộn bê tông tại thôn Thịnh Thôn là do một cá nhân tên Lê Thanh Bình xây dựng lên và đang quản lý, kinh doanh. Công ty Vinaconex 21 cho ông Lê Thanh Bình thuê lại đất để đặt trạm trộn. Trong suốt quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông này không hề có bất cứ đóng góp gì cho địa phương dù là nhỏ.
|
Trạm trộn bức tử môi trường đến bao giờ mới được giải quyết? |
Thực tế cho thấy, việc buông lỏng quản lý đất đai, bỏ mặc cho một cơ sở sản xuất bê tông bức tử môi trường sống của Nhân dân thôn Thịnh Thôn đã gây ra những hệ luỵ phức tạp kéo dài nhiều năm qua, mất niềm tin vào chính quyền sở tại. Nhiều người dân cho rằng việc kiến nghị lên UBND xã, huyện chẳng có tác dụng gì, chỉ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Chủ trạm trộn sản xuất, kinh doanh kiếm lời bỏ vào túi riêng, còn hệ luỵ thì người dân gánh chịu, trong khi chính quyền chỉ loay hoay với văn bản, giấy tờ đôn đốc, không tháo dỡ công trình vi phạm, cũng không có biện pháp giảm thiểu hệ luỵ về môi trường, đảm bảo an sinh cho Nhân dân. Thực trạng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ, UBND huyện Ba Vì và xã Cam Thượng còn thờ ơ, vô cảm đến bao giờ? Nhân dân thôn Thịnh Thôn mong mỏi câu trả lời thoả đáng từ chính quyền địa phương.