Theo quan sát của phóng viên, nhiều tuyến đường mặc dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ sang đường như kẻ vạch sơn, lắp biển báo, xây dựng cầu vượt, đèn tín hiệu… nhưng nhiều người đi bộ vẫn đi sang đường không đúng quy định.
Ngay trên đường quốc lộ, tình trạng người đi bộ băng sang đường bằng cách trèo qua dải phân cách, sang đường không đúng nơi quy định xảy ra thường xuyên, trong khi đó tại các cầu vượt dành cho người đi bộ thì lại vắng hoe...
|
Người dân bất chấp vi phạm luật an toàn giao thông băng qua lòng đường trong khi ngay bên trên là cầu đi bộ. |
Một trong những minh chứng cụ thể phải kể đến đó là tại khu vực cổng Bệnh viện K Tân Triều thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây, phóng viên ghi nhận khung cảnh giao thông lộn xộn trước cổng viện vào lúc chiều tối. Nằm trên trục đường 70, lưu lượng phương tiện qua lại với tần suất cao, do đó khu vực này thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Có thể nói, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Những người vi phạm chủ yếu là người bệnh và người nhà đi từ hướng cổng Bệnh viện sang bên khu nhà trọ, họ thường chờ nhau thành tốp từ 4 đến 5 người rồi cùng sang đường.
Theo người dân địa phương, tình trạng trên tồn tại đã qua nhiều năm, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý thế nhưng người đi bộ vẫn ngang nhiên sang đường, bất chấp nguy hiểm và gây ách tắc kéo dài cho cả tuyến đường này.
Tương tự, tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu đoạn ngã tư giao Phạm Hùng và Xuân Thủy cũng đang diễn ra tình trạng người đi bộ vi phạm luật an toàn giao thông.
Là khu vực đón trả khách của xe bus nên đoạn đường này lúc nào cũng đông người qua lại. Dù đã được trang bị cầu đường bộ để giảm thiểu tai nạn giao thông, tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn cách băng qua lòng đường thay vì đi lên cầu đi bộ.
|
Bất chấp nguy hiểm, người dân sang đường tại nơi không có vạch kẻ đường. |
Chia sẻ về sự nguy hiểm từ hành vi băng qua đường của những người đi bộ, chị Nguyễn Thúy Tâm (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Tôi thường xuyên di chuyển qua quãng đường từ Cầu Giấy về phía Hồ Tùng Mậu, từ nhiều năm nay, tình trạng người đi bộ sang đường tại những nơi không có vạch kẻ đường khiến mình khá bức xúc.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, cùng với công tác cải tiến hạ tầng giao thông, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người đi bộ.
Các ngành chức năng cần tập trung phổ biến các quy tắc giao thông và quy định xử phạt vi phạm đối với người đi bộ không tuân thủ đúng luật an toàn giao thông.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. 2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy. 3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Như vậy qua đường không đúng vạch kẻ đường sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. |