Toàn thành phố hiện còn 30 “điểm đen”
Hầm đường bộ Kim Liên là một trong những “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Chỉ trong năm 2019, tại đây đã xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người chết. Ngoài ra còn nhiều vụ va chạm, trượt ngã dẫn tới người điều khiển phương tiện bị thương. Nghiêm trọng nhất phải kể tới vụ tai nạn xảy ra đêm 1-5-2019, một người đàn ông điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 30F-154.78, khi đến hầm Kim Liên đã đâm vào một chiếc xe máy. Hậu quả của vụ tai nạn làm 2 người phụ nữ đi xe máy tử vong.
Là người thường xuyên lưu thông qua hầm đường bộ Kim Liên, anh Nguyễn Mạnh Thắng (số 347 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) phản ánh: “Mật độ phương tiện hằng ngày qua hầm rất lớn, trong khi lối xuống hầm khá dốc và đặc biệt là trơn trượt vào những ngày mưa, nhưng rất nhiều người khi đi qua hầm vẫn phóng nhanh bất chấp biển cảnh báo. Không ít trường hợp cố tình lấn làn rất nguy hiểm. Rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông”.
Hầm đường bộ Kim Liên chỉ là một trong tổng số 30 “điểm đen” tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố theo kết quả rà soát của các cơ quan chức năng. Các “điểm đen” khác có thể kể ra như: Khu vực từ gầm cầu vượt cho người đi bộ đường Võ Chí Công đến đường dẫn xuống đường An Dương Vương (quận Tây Hồ); cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy)…
Cùng với đó là một số vị trí trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín...; hay đường ngang tuyến đường sắt Bắc - Nam đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn dẫn tới tử vong do người dân vượt đường sắt thiếu quan sát... Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong năm 2019, tại 30 “điểm đen” này đã xảy ra tổng cộng 59 vụ tai nạn giao thông, làm chết 65 người và bị thương 15 người.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, quận đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạng mục bảo đảm an toàn giao thông. Với những vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt, quận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương tham gia cảnh giới. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải có giải pháp đầu tư công trình, như lắp đặt cầu vượt bộ hành tại một số khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông hoặc lắp đặt hệ thống rào chắn cảnh báo đường ngang, để bảo đảm hiệu quả ngăn ngừa tai nạn.
Phương án chi tiết, thực hiện cấp bách
Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị được giao phụ trách quản lý hầm Kim Liên), nhằm hạn chế tai nạn giao thông cho người và phương tiện qua hầm, đơn vị đã sơn các cụm gờ để cảnh báo phương tiện giảm tốc độ khi xuống hầm, đồng thời bố trí đủ biển cảnh báo để người dân dễ quan sát.
Ngay sau khi xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cũng đã khẩn trương sửa chữa, thảm lại toàn bộ mặt hầm, tăng cường chiếu sáng; nghiên cứu tổ chức lại giao thông qua khu vực này, đồng thời khuyến cáo người tham gia giao thông tuân thủ biển báo, hạn chế tốc độ khi lưu thông qua hầm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố thường xuyên khảo sát, lên phương án nhằm từng bước giải quyết triệt để các “điểm đen” cũng như nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trong số 30 “điểm đen” có 27 điểm phát sinh từ năm 2019. Để xử lý hiệu quả những “điểm đen” này, Thanh tra Sở đã rà soát và đề xuất các phương án cấp bách như: Lắp camera để phạt “nguội” nhằm hạn chế vi phạm; mở rộng nút giao; sơn gờ giảm tốc; bổ sung đèn chiếu sáng; thảm lại mặt đường; làm lại rào chắn giữa đường bộ và đường sắt...
Các phương án xử lý được nghiên cứu cụ thể với từng vị trí “điểm đen”. Ví dụ như với hầm đường bộ Kim Liên sẽ lắp camera; sơn gờ giảm tốc, bổ sung đèn chiếu sáng và sơn kẻ mặt đường. Đây cũng là giải pháp được áp dụng cho “điểm đen” trên cầu vượt Mai Dịch. Với khu vực từ gầm cầu vượt cho người đi bộ đường Võ Chí Công đến đường dẫn xuống đường An Dương Vương, ngành chức năng đề xuất sơn gờ giảm tốc. Với “điểm đen” tại Km192+578 đến Km193+027 trên quốc lộ 1A đoạn thuộc huyện Thường Tín và Km7+590 đến Km7+950 khu gian Giáp Bát - Văn Điển (đoạn thuộc huyện Thanh Trì) sẽ lắp đặt gác chắn đường sắt giao nhau với đường bộ...
Theo ông Cao Văn Hiệp, kế hoạch xử lý “điểm đen” tai nạn được triển khai theo phương thức dự án cấp bách bằng vốn ngân sách thành phố. Với những giải pháp chi tiết, thời gian thực hiện khẩn trương, các “điểm đen” sẽ sớm được xử lý triệt để, góp phần hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 giảm từ 5 đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2019.
Ngày 27-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô trong 3 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, đã xảy ra 232 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, làm chết 108 người, bị thương 140 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 77 vụ (tương đương 24,92%), giảm 26 người chết (19,40%), giảm 66 người bị thương (32,04%).