Ghi nhận thực tế trên các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn, một số hộ dân phơi rơm, thóc, đặt các vật cản (gạch đá, cành cây…) ngăn không cho các phương tiện đi vào khu vực phơi thóc, lúa trong phạm vi lòng, lề đường. Do không có không gian, mặt bằng làm sân phơi, bà con nông dân đã mang thóc ra phơi trực tiếp trên đường. Để ngăn các phương tiện không đi vào, nhiều chỗ người dân đã lấy gạch, đá, các vật dụng đặt trước khu vực phơi thóc gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.
Tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc đã làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người, phương tiện.
Anh Nguyễn Văn Chung (ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cho biết: "Tôi thường di chuyển qua tỉnh lộ 281 và các tuyến đường liên thôn, liên xã trong huyện, mỗi năm đến vụ gặt thường xuyên gặp những đoạn đường bà con tận dụng để phơi thóc sau thu hoạch. Cũng rất thông cảm cho bà con là vụ thu hoạch chỉ diễn ra trong hai đến ba tuần, thóc gặt xong không thể không phơi, nhưng việc tận dụng lòng đường để làm sân phơi thực sự rất nguy hiểm. Tài xế nếu không làm chủ được tốc độ điều khiển xe đi lên trên đoạn thóc đang phơi dễ gây trơn trượt, mất lái".
Một người dân ở xã Phú Hòa, huyện Lương Tài phân trần: "Nhà chúng tôi ở mặt đường, không có diện tích, không có mặt bằng, không có sân phơi, trong khi thời tiết mưa nắng thất thường nên nếu không tranh thủ nắng ráo để phơi thóc cho khô thì sau vài ngày là thóc ẩm ướt, mọc mầm. Sản lượng không nhiều, chi phí nếu mang đi sấy lại cao, nên dù đã được nhắc nhở, biết phơi thóc ra đường giao thông là không đúng nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác, đành che chắn, đặt chướng ngại vật để cảnh báo phương tiện khi đi qua".
Bên cạnh nỗi lo các ‘‘sân phơi di động’’ xuất hiện bất thình lình trên các tuyến đường giao thông, vào mùa gặt, người dân Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương khác đang phải đối mặt với khói bụi do đốt rơm rạ gây ra.
Việc đốt rơm rạ tự phát trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí thêm ngột ngạt. Chị Nguyễn Thị Bích, ở phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: "Tối 14/6, không biết khói do đốt rơm rạ từ đâu mà tràn từ ngoài đường vào cả trong nhà. Tôi chỉ ở trong nhà ăn cơm mà khói xộc vào khiến mắt mũi cay xè và khó thở".
Không chỉ tại thành phố Bắc Ninh, trong tối 14/6, nhiều địa phương trong tỉnh như thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài, thành phố Từ Sơn, người dân đều phải chịu cảnh khói bụi bao trùm, gây ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra. Nhiều hộ nông dân vẫn theo thói quen, đốt rơm rạ ngay tại đồng ngay sau vụ gặt.
Để ngăn chặn kịp thời việc đốt rơm rạ, phơi thóc trên các tuyến đường giao thông và tình trạng xả rác, đốt rác thải không đúng quy định gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, ngay từ trung tuần tháng 5, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản về việc cấm sử dụng lòng đường, vỉa hè để tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ trên các tuyến đường giao thông.
Chủ tịch UBND - Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chủ tịch UBND - Trưởng Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến người dân, đặc biệt là không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ, đổ rác, để xe chở rác trên lề đường, lòng đường.
Dù là một trong những địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, song trên thực tế, tại Bắc Ninh hiện nay vẫn còn nhiều gia đình cấy lúa một năm hai vụ. Tuy nhiên, không phải gia đình hộ nông dân nào cũng có sân để phơi thóc sau thu hoạch. Trong khi đó, công nghệ xử lý rơm rạ hiện không thiếu nhưng không được người dân áp dụng. Nên tình trạng chiếm dụng lòng đường để phơi thóc và đốt rơm rạ ở Bắc Ninh vẫn tái diễn.
Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Ninh sẽ xây dựng, hình thành 3 vùng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung, hướng tới xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh.
Thiết nghĩ, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và đẩy mạnh việc "nhắc nhở", "xử lý"... của các cơ quan chức năng mỗi khi mùa vụ đến, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, thay thế cho việc đốt rơm rạ và phơi thóc như hiện nay, bảo đảm định hướng phát triển của tỉnh.
Thúy Hồng