Tái diễn những vụ tại nạn đau lòng
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hàng ăn quán nhậu buộc phải đóng cửa, người dân cũng hạn chế tham gia giao thông. Tuy nhiên, từ khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, hiện tượng “ma men” sau tay lái đang xuất hiện ở một số nơi.
Ví như vụ việc xảy ra ngày 24/3, tại quận Hoàng Mai, tài xế điều khiển xe ô tô BKS: 30A - 427.27 đang lưu thông bất ngờ lao sang phần đường bên cạnh, đi ngược chiều đâm vào một chiếc xe máy, khiến người phụ nữ điều khiển xe máy bị thương nặng. Tài xế còn ga bỏ chạy cho đến khi lốp trước phía lái bị nổ mới chịu dừng lại. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế vi phạm mức 0,36mg/mililit khí thở.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng
|
Tương tự, ngày 29/4, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, tài xế điều khiển xe ô tô BKS: 27C - 023.13 đã đâm vào một xe ô tô đang đỗ, sau đó tiếp tục đâm vào một xe máy điện khiến người điều khiển tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định do tài xế điều khiển xe ô tô 27C - 023.13 có sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện.
Mới đây nhất, khoảng 18 giờ ngày 8/5, Trưởng ban Nội chính, Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều khi điều khiển xe ô tô mang BKS: 29A-995.83 đã gây tai nạn trên địa bàn phường Tiền Phong, TP Thái Bình, khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Theo người dân phản ánh, ông Điều đã lái xe trong tình trạng say xỉn. Vụ việc đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên, nếu phản ánh của người dân là đúng, đây là hành vi rất đáng lên án.
Có thể nói, Nghị định 100/2019/NĐ - CP đã tạo ra một bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi “ma men” sau tay lái trên cả nước. Đối diện với mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng, nhiều người đã không còn dám tùy tiện lái xe khi đã uống rượu bia. Hiệu ứng tích cực đã lan tỏa trong toàn xã hội, vi phạm nồng độ cồn cũng như các số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm mạnh.
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, trong quý I/2020, lực lượng CSGT cả nước đã lập biên bản xử lý 910.954 trường hợp vi phạm, trong đó, có 48.636 tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn. Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương nhờ các cấp, ngành, địa phương tích cực vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Đặc biệt, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp TNGT giảm sâu là nhờ hiệu quả tích cực của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cùng Nghị định 100/2019/NĐ - CP về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Ngay sau khi Luật có hiệu lực, ý thức của người dân được nâng cao, từ đó giảm thiểu TNGT do rượu bia gây nên.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do tài xế say rượu không dừng, bỏ chạy trên địa bàn quận Hoàng Mai ngày 24/3. Ảnh: Trọng Huyền
|
Tuy nhiên thực tế cho thấy, sau một thời gian bị đẩy lùi bởi hiệu ứng tích cực từ các quy định xử phạt nghiêm khắc và sự đồng lòng của toàn xã hội, “ma men” sau tay lái lại đang xuất hiện trở lại, khiến người dân lo lắng và bức xúc.
Không buông lỏng, lơ là
Ông Lê Hữu Công (Hà Đông) chia sẻ: “Quy định cấm rượu bia, mức phạt nặng đã phát huy rất tốt tác dụng hạn chế vi phạm nồng độ cồn. Nhưng lực lượng chức năng cần phải duy trì liên tục công tác xử phạt mới có thể đem lại hiệu quả bền vững”. Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, thói quen “chén chú, chén anh” đã ăn sâu vào văn hóa giao tiếp của bộ phận không nhỏ người dân. Nếu lơ là xử phạt, căn bệnh “ma men” sẽ tái diễn ngay, thậm chí khó kiểm soát.
Đại diện Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định, dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều nhưng cơ bản dư luận đều nhất trí với việc cần triển khai xử phạt, thậm chí mong muốn phải xử phạt nặng hơn, kiên quyết và dài hơi, để những “ma men” không còn gây ra những nỗi đau, mất mát cho gia đình, xã hội. Sử dụng rượu, bia khi lái xe là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời gây ra rất nhiều rủi ro cho chính bản thân và những người khác. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định về trật tự, ATGT; đã uống rượu, bia thì không lái xe. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng CSGT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn không chỉ là một chiến dịch trong thời điểm nghị định mới có hiệu lực mà sẽ được duy trì liên tục.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý “ma men” cần nghiêm khắc hơn, nhất là đối với những cán bộ, công chức. Không thể để tình trạng “cả nể”, bỏ qua cho vi phạm dù đó là ai, công tác ở vị trí nào.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Tuyển cho rằng: “Chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã đủ mạnh, tuy nhiên, mức phạt càng cao càng dễ nảy sinh tiêu cực. Hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế vi phạm say xỉn khi lái xe còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nghiêm túc, quyết liệt của lực lượng chức năng”.
"Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về trật tự, ATGT không chỉ dành riêng cho người dân. Mỗi cơ quan, công sở, đặc biệt đơn vị hành chính, chính quyền lại càng cần phải tăng cường giáo dục, phổ biến luật giao thông hơn nữa. “Bởi mỗi cán bộ là một tấm gương để người dân nhìn vào. Cán bộ tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến ý thức người dân, bao che cho vi phạm của cán bộ, nhất là những vi phạm có tính chất nguy hiểm như uống rượu lái xe sẽ khiến người dân mất niềm tin vào luật pháp" -Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân
"Việc thực thi quy định về phòng chống tác hại của rượu bia cũng như xử phạt vi phạm nồng độ cồn thời gian qua là rất nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, muốn Luật thực sự đi vào cuộc sống cần kết hợp cả duy trì xử phạt lẫn tuyên truyền sâu rộng, liên tục" -Luật sư Phan Thị Thanh Hiền - Đoàn luật sư Hà Nội
|