Tái diễn vi phạm tại nhiều khu vực
Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố gồm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công công trên địa bàn, bắt đầu từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2/2023;
Giai đoạn 2 – Ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1/3/2023 – 31/3/2023); Giai đoạn 3 – Giai đoạn kiểm tra, duy trì (1/4/2023 đến 1/11/2023).
|
Vỉa hè ngõ 553 đường Giải Phóng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.
|
Trong giai đoạn 3, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì hiệu quả những biện pháp công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này, Ban Chỉ đạo 197 thành phố và các cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, duy trì trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Giaothonghanoi, đến thời điểm này, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện lại tái diễn tại nhiều khu vực.
|
Lòng đường, vỉa hè ngõ 54 Lê Quang Đạo bị chiếm dụng thành nơi dừng đỗ phương tiện sai quy định. |
Đơn cử, tại một số tuyến đường như phố Trần Đại Nghĩa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng); ngõ 553 đường Giải Phóng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); ngõ 54 Lê Quang Đạo, phố Hồng Đô (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm)… tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bày bàn ghế, biển hiệu biển quảng cáo, dừng đỗ phương tiện với mục đích kinh doanh gây cản trở, mất ATGT, mỹ quan đô thị… diễn ra khá phổ biến.
Không chỉ đối mặt với tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, bộ mặt đô thị đang trở lên nhếch nhác với tình trạng tổ chức trông giữ phương tiện sai nội dung, diện tích được cấp phép.
Tại Hà Nội, 4 điểm vỉa hè đang được quận Hoàn Kiếm cho thuê là trước số nhà 94 Lý Thường Kiệt, 30A Lý Thường Kiệt, 15 Ngô Quyền và 11 Lê Phụng Hiểu. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố 6 tháng/lần, với mức giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Tại Hà Nội, 4 điểm vỉa hè đang được quận Hoàn Kiếm cho thuê là trước số nhà 94 Lý Thường Kiệt, 30A Lý Thường Kiệt, 15 Ngô Quyền và 11 Lê Phụng Hiểu. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố 6 tháng/lần, với mức giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Tại khu vườn hoa Xã Đàn, đoạn qua Bệnh viện Đông Đô; phố Hoàng Cầu đoạn từ ngõ 113 đến giáp với trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa… để đảm bảo nhu cầu của người dân, UBND quận Đống Đa đã cho phép một số đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện trên vỉa hè. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, chủ các bãi đã ngang nhiên tổ chức trông giữ phương tiện quá diện tích được cấp gây mất trật tự, ATGT…
|
Xe ô tô dừng đỗ sai quy định tại khu vực vườn hoa Xã Đàn. |
Cần có những biện pháp đủ mạnh, đúng và trúng
Sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị luôn là một trong những vấn đề nóng, thường xuyên rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”… một phần do đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Từ thực tế đó, các quan chức năng lo ngại, nếu làm mạnh, làm rắn cuộc sống của một bộ phận người dân, đặc biệt với những hộ kinh doanh phụ thuộc vào việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè sẽ bị ảnh hưởng.
Vỉa hè phố Hồng Đô bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, bày biển quảng cáo sai quy định gây cản trở, mất ATGT.
|
Vỉa hè phố Hồng Đô bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, bày biển quảng cáo sai quy định gây cản trở, mất ATGT. |
Về vấn đề này, Thiếu tá Giáp Văn Khương – Phó trưởng Công an phường Trung Liệt (quận Đống Đa) chia sẻ, với đặc thù địa bàn rộng, nhiều tuyến đường lớn chạy qua, khu vực tập trung đông dân cư, nhiều trường học… nên từ nhiều năm nay, công tác quản lý trật tự đô thị luôn là một vấn đề nóng. Tại nhiều khu vực, nhiều thời điểm, chỉ cần vắng bóng các lực lượng chức năng một số hộ kinh doanh ngay lập tức tái vi phạm, bất chấp việc nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
|
Xe ô tô dừng đỗ chiếm dụng gần hết diện tích vỉa hè phố Hoàng Cầu. |
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Phùng Công Thế cho biết, với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại một số khu vực tập trung đông người, nhu cầu mua bán lớn… chỉ cần vắng bóng các lực lượng chức năng, một số trường hợp lại cố tình vi phạm.
“Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 197 phường Xuân La tiếp tục yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, chốt trực, kiểm tra, xử phạt ở mức cao nhất… để tạo sức răn đe, ngăn chặn trường hợp cố tình tái vi phạm” – Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Phùng Công Thế cho hay.
|
Các phương tiện dừng đỗ lấn chiếm lòng đường phố Trần Đại Nghĩa. |
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị đánh giá, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè... Thế nhưng, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác trôi qua, chỉ được một thời gian, công tác quản lý trật tự đô thị lại rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”. Do đó, nếu không có những biện pháp đủ mạnh, đúng và trúng thì mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội còn cả chặng đường dài.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Thời gian thu phí bắt đầu từ 0h ngày 1/1/2024. Mức phí được dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến đường ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.