Lo tai nạn
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội như Yên Phụ, Trường Chinh, Trần Khát Chân... không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe ba gác, xích lô hoặc các loại xe "thây ma" được độ lại sơ sài, gắn thêm thùng ở phía sau hoặc bên cạnh để biến thành xe kéo, nghênh ngang chở hàng cồng kềnh đi lại gây khó chịu cho người đi đường.
|
Chở hàng sắt thép không có bọc, che đầu sắc nhọn gây nguy hiểm cho người đi đường.
|
Hàng hóa được chở rất đa dạng, từ thực phẩm, chăn chiếu, quần áo đến đồ dùng trong gia đình (bàn, ghế, tivi, tủ lạnh…) đến chậu hoa cây cảnh, khung cửa, sắt thép, tôn, kính. Điều đáng nói là hầu hết phương tiện chở hàng khá cũ, không bảo đảm an toàn lại bị “cơi nới” quá mức để chở càng nhiều càng tốt.
Anh Đinh Ngọc Tuấn (trú tại Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, mỗi khi đi ngoài đường thấy những chiếc xe này, anh đều phải cố gắng né ra hoặc chuyển sang hướng đi khác vì cảm thấy nguy hiểm.
"Nhiều xe máy chở hàng đa phần đều xe đã cũ nát, đèn vỡ, không xi nhan, khung xe tàn tạ chỉ được "độ" lại sơ sài... nhưng lại chở hàng cồng kềnh, thậm chí những thanh sắt thép dài hơn 2m được buộc để ngang xe không có bọc, đầu nhọn nhô ra ngoài là hết sức nguy hiểm" - anh Tuấn chia sẻ.
|
Một xe máy "thây ma" gắn thêm thùng chở hàng sắt thép trên đường Văn Cao. |
Còn chị Hoàng Tuyết Nga (trú tại Phúc Xá, Ba Đình) cho hay, ngày nào trên tuyến đường Phúc Tân cũng có vài chục chuyến xe chở sắt, thép đi qua đây rồi nườm nượp qua lại trên dọc trục tuyến Hồng Hà - Nghi Tàm - Âu Cơ. Nếu trên đường xe đông thì xe chở sắt, thép còn đi chậm; còn khi đường vắng thì những xe này phóng rất nhanh, vượt ẩu. Vì đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do việc vận chuyển thép cuộn không đảm bảo an toàn nên người dân quanh đây rất lo sợ
"Chỉ cần thắng xe gấp, tải xích không đủ chịu lực dễ bị đứt, cuộn thép nặng hàng chục tấn rơi xuống đất sẽ gây hậu quả khó lường" - Chị Nga nói.
Cần mạnh tay xử phạt
Việc chở theo hàng hóa có kích thước lớn đã khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế. Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trên đường, nên gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người đi đường khác.
Hiện nay, pháp luật cũng đưa ra chế tài xử phạt đối với hành vi này. Theo đó, tại Điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô; điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định…
|
Với việc vô tư chở thanh sắt thép với độ dài trên 2m tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. |
Trường hợp thực hiện hành vi nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. So với hậu quả của việc chở hàng hóa không đảm bảo an toàn rồi gây tai nạn giao thông thì mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều người vẫn xem thường và bất chấp vi phạm.
Để hạn chế cũng như ngăn ngừa tai nạn liên quan đến hành vi này, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đối với các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, người dân cũng nên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, vì sự an toàn của bản thân và người đi đường.