Vi phạm hành lang an toàn đường sắt: Kề cận “tử thần” mỗi ngày

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, tuy nhiên tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn ra hàng ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư.

 

Tái diễn thường xuyên

Theo thống kê của Bộ GTVT, từ năm 2019 đến hết năm 2023, cả nước còn hơn 3.000 lối đi tự mở qua đường sắt, trên địa bàn các khu vực đông dân cư, có mật độ chạy tàu cao. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong 5 năm qua, cả nước mới chỉ xoá bỏ được 777/4.093 (chưa đến 20%) lối đi tự mở qua đường tàu tại các khu vực đông dân cư. Vì vậy, công tác đảm bảo ATGT cho người dân trong khu vực hành lang an toàn đường sắt chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt như: dựng lều lán, kinh doanh gần đường ray, mở đường ngang trái phép, phớt lờ biển cảnh báo,... vẫn diễn ra rất phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đặc biệt, trên địa bàn TP Hà Nội, dọc tuyến đường sắt đi qua các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín,... tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đang diễn ra phổ biến.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực ngõ 119 đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ lâu đã hình thành khu chợ cóc song song với đường tàu. 

Vi pham hanh lang an toan duong sat: Ke can “tu than” moi ngay - Hinh anh 1
Người dân vô tư đi qua đường sắt để mua hàng tại chợ cóc ngay sát đường tàu

Việc họp chợ diễn ra hàng ngày, vừa gây ùn tắc giao thông đường bộ, vừa nguy hiểm với hành lang an toàn đường sắt.

Không chỉ vậy, hành lang đường sắt còn đang bị chiếm dụng bất chấp biển cấm. Thậm chí, hàng rào barie cũng bị tận dụng làm chỗ phơi quần áo, rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị…

Chị Đỗ Phương Thảo (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Việc buôn bán họp chợ tại đây tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Giả sử khi tàu đến, người mua bán không di chuyển kịp, hậu quả thật khó lường”.

Vi pham hanh lang an toan duong sat: Ke can “tu than” moi ngay - Hinh anh 2
Người dân băng qua khu vực đường sắt không có rào chắn ngăn cách, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Cũng tại khu vực nay, đoạn đường ray qua ngõ 104 (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hoàn toàn không có rào chắn ngăn cách giữa đường bộ với đường sắt. Do đó, người dân thản nhiên băng qua đường tàu bất chấp nguy hiểm.

Thiếu tá Dương Thanh Khánh (Cảnh sát trật tự, Công an phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Lực lượng công an phường thường xuyên xử lý, không để hàng quán tụ tập trong hành lang bảo vệ đường sắt, gây mất an toàn trên địa bàn. Công an phường cũng đã đề xuất UBND quận, Công ty CP Đường sắt Hà Thái dựng hàng rào bảo vệ trong hành lang an toàn đường sắt. Trước khi có hàng rào, chúng tôi vẫn nỗ lực đảm bảo an toàn trật tự trong khu vực, tuy nhiên cái khó là không thể đứng một chỗ để nhắc nhở mãi được”. 

Xoá bỏ lối đi tự mở

Lối đi tự mở dân sinh cắt ngang khu vực đường ray tàu hỏa là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Dọc tuyến đường Ngọc Hồi, đoạn từ chùa Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đến thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), cứ cách vài ba mét lại thấy một lối đi tự mở cắt ngang qua đường sắt. 

Các lối đi này không có barie rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm sơ sài, tạm bợ. Trong khi đó, người dân vẫn vô tư băng qua đường ray. Tại nhiều vị trí, các cửa hàng kinh doanh hoạt động sát với khu vực có đường sắt đi qua.

Vi pham hanh lang an toan duong sat: Ke can “tu than” moi ngay - Hinh anh 3
Dọc đường Ngọc Hồi, các lối đi tự mở qua đường tàu xuất hiện liên tiếp, người dân kinh doanh ngay sát đường ray...

Bà Nguyễn Thị Trí (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) cho biết: “Người dân vẫn khá chủ quan khi di chuyển băng qua đường tàu. Chỉ nên mở 1, 2 đường để người dân có lối đi, hiện nay nhiều lối tự mở như này rất nguy hiểm. Như vừa rồi, tàu đã đến gần mà có hai cháu vẫn băng qua, không biết sợ là gì. Mình thấy mà toát cả mồ hôi”.

Đa số những lối đi dân sinh qua đường sắt do người dân tự ý xé rào, mở trái phép bằng những miếng bê tông chắp vá, tạm bợ. Theo thời gian, những lối đi tắt này lại trở thành đường cố định. Mặc dù thuận tiện cho người dân đi lại, thế nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất ATGT.

Chủ tịch UBND Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Hương cho biết: “Chúng tôi đã rà soát và cắm các biển cảnh báo để Nhân dân chủ động trong khi đi qua đường tàu. Tại một số điểm đen về tai nạn giao thông đường sắt, thị trấn cũng vận động các đoàn thể trực cảnh giới vào giờ cao điểm. Tuy nhiên nhân lực cũng còn hạn chế".

Lãnh đạo UBND thị trấn Văn Điển thông tin, qua ra soát, địa phương đã đóng 9/59 lối đi tự mở qua đường sắt, không ảnh hưởng đến giao thông của các hộ liền kề.

“Giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề tai nạn đường sắt là phải đóng toàn bộ lối đi dân sinh tự mở. Để có thể đóng đường dân sinh, bắt buộc phải có dự án làm đường gom để Nhân dân có lối đi lại. 

Hiện chúng tôi đang cho rà soát đất dọc hành lang ATGT đường sắt, đề xuất UBND huyện Thanh Trì báo cáo các cấp có thẩm quyền dự án làm đường gom” - bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt trước hết là do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không thấy được hết những hệ lụy khôn lường đi kèm với hành vi vi phạm của mình. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần siết chặt quản lý, phối hợp với ngành đường sắt và lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường sắt, chống tái lấn chiếm. 

Đối với các điểm nhức nhối, thường xuyên xảy ra va chạm, cần sớm triển khai xây dựng hệ thống đường gom dân sinh để người dân đi lại được an toàn, thuận tiện. 

Ngọc Trang

Tin liên quan