|
Xả rác trên đường cao tốc ngày càng xảy ra thường xuyên, không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường còn trực tiếp đe dọa ATGT |
Thông qua đường dây nóng , Kênh VOVGT nhận được nhiều phản ánh về tình trạng một số người nhặt ve chai đi bộ nhặt các vỏ hộp đồ uống, lon bia, trên một số tuyến đường cao tốc như dọc đường vành đai 3 trên cao, đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 3 mới, đường cao tốc Hà Nội Bắc Giang….Ngay trong sáng nay, một lái xe bức xúc phản ánh:
“Người dân Việt có thói quen tiện là vứt, tiện là vứt, chứ không có sự kiềm chế. Dân lái xe hay vứt lon, vứt chai ra đường, họ thì cứ nhặt, nhìn nguy hiểm chết người. Sáng nay, đường vành đai 3 trên cao đoạn qua Gramuda hướng đi cầu Thanh Trì có một bà bịt mặt đi bộ. lúi húi nhặt. Những người dân kiếm trước bằng nghề ve chai, họ không lường trước được hậu quả, nguy hiểm, họ chỉ nghỉ đến việc nhặt để bán lại”.
Thông thường, những người nhặt ve chai thường hay đi bộ sát dải phân cách giữa, đôi khi trèo lên dải phân cách để tìm kiếm những vỏ lon, vỏ hộp rồi lại nhảy xuống đường mà không quan sát. Trong khi đây là làn đường dành cho các phương tiện xin vượt với tốc độ cao nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế đã có tai nạn chết người xuất phát từ việc vứt và nhặt ve chai trên cao tốc.
Anh Trung Nguyên - lái xe tải ở Hà Nội cho biết, hành vi vứt rác khi đi ô tô trên đường cao tốc là do ý thức của một bộ phận lái xe còn kém. Họ chưa nhận thức hành vi này có thể làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sự an toàn của những người cùng tham gia giao thông:
“Cái này mình thấy xảy ra trên nhiều tuyến đường. Đôi lúc mình đi sau, không hiểu xe bác tài nghĩ gì mà uống xong thò tay ném ra ngoài, đôi lúc ném cả trên đường và dải phân cách, rất nguy hiểm. Đôi lúc mình xử lý theo phản xa, đánh lái gây nguy hiểm, đang chạy nhanh, đánh lái một tý rất gây nguy hiểm cho người khác cho cả bản thân mình”.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị xử phạt từ 5- 7 triệu đồng.
Trong khi đó, Nghị định 46 của Chính phủ quy định người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại phương tiện tương tự như xe ô tô có hành vi đổ rác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở phạm vi ngoài đường đô thị trong đó có đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt về hành vi đổ rác ra đường giao thông, tuy nhiên chưa cụ thể hóa đối với hành vi ném rác nên công tác xử lý những hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn:
“Hiện nay công tác xử lý vứt rác trên đường cao tốc rất hạn chế, chưa hiệu quả và thực tế gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Cụ thể là khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm. Vì hành vi thực hiện khi mà phương tiện di chuyển với tốc độ cao. Ngoài ra, hiện nay phần lớn trên đường cao tốc không có camera giám sát nên không có căn cứ để xử lý vi phạm”.
Ông Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn quốc gia cho biết, đường cao tốc có đặc điểm các phương tiện di chuyển với tốc độ rất cao và di chuyển liên tục. Thói quen vứt rác không chỉ vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường mà còn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn về an toàn giao thông. Bởi nó có thể ảnh hưởng đến sự tiếp xúc của xe đối với mặt đường, làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn hướng và sự hoạt động của phanh xe. Để có thể hạn chế những hành này trong tương lai, ông Khương Kim Tạo đề xuất:
“Có 2 cách, thứ nhất là cụ thể hóa hành vi. Thứ hai là có đợt tuyên truyền để nói những cái đó ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tuyên truyền mức phạt cụ thể. Xử lý có thể thông qua camera giám sát không nhất thiết là CSGT bắt, vì đường cao tốc đều gắn camera”.
Tại nhiều đô thị trên thế giới, hành vi vứt rác ra đường giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng bị cấm. Những trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc xử phạt tùy theo mức độ. Tuy nhiên, tình trạng này vứt rác bừa bãi cũng có xảy ra nhưng không nhiều, và việc xử lý thường thông qua hình ảnh phạt nguội. Chị Hồ Thương- một người dân đã có nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ cho biết:
“Cái quan trọng nhất ở Mỹ là ý thức tự giác rất cao dù không có ai giám sát. Đấy là quyết định chính. Họ đã được đào tạo từ bé rằng việc làm đó không nên làm”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể xử lý những trường hợp vứt rác ra đường nói chung và vứt rác trên đường cao tốc nói riêng, thì bên cạnh cụ thể hóa các quy định, cũng cần tăng cường năng lực thực thi, xử lý vi phạm; kết hợp giữa ngành giao thông và môi trường để xử lý những trường hợp vi phạm,công khai những trường hợp vi phạm để nâng cao tính răn đe của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
ATGT trên cao tốc vẫn bị đe dọa hàng ngày hàng giờ, bởi những hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, được thúc đẩy bởi nhận thức ấu trĩ cùng sự tùy tiện của một bộ phận người lái xe
|
ATGT trên cao tốc vẫn bị đe dọa hàng ngày hàng giờ, bởi những hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, được thúc đẩy bởi nhận thức ấu trĩ cùng sự tùy tiện của một bộ phận người lái xe |
Hành vi xả rác bừa bãi từ xe ô tô không chỉ kéo theo nạn nhặt ve chai trên cao tốc, mà còn có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn bởi những cú giật mình, đánh lái gấp, phanh "cháy" đường, hoặc mất lái do giật mình. Tuy nhiên dưới góc nhìn của VOVGT, đó cũng chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện của sự chênh lệch quá lớn giữa mức độ phát triển của hạ tầng và ý thức giao thông
Khi ý thức dịch chuyển với tốc độ “rùa bò”
Xả rác trên đường cao tốc, mặc dù là hành vi rất nguy hiểm, nhưng nếu đặt trong bối cảnh chung của ý thức nơi công cộng, sẽ thấy không bất ngờ.
Một khi người ta có thể quét nhà hắt rác ra đường, đẩy rác từ hè xuống cống, có thể đem phế thải nhà mình đổ đống ở những tuyến đường vắng người qua lại, có thể vô tư xả rác ở bến xe, nhà ga.. thì không có gì lạ khi hành vi đó tiếp tục trên các tuyến cao tốc. Chỉ có điều, mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, tùy thuộc đặc thù của khu vực “đón rác”.
Nếu đặt trong tình hình chung của các vi phạm trên cao tốc hiện nay, thì việc xả rác cũng không phải chuyện gì gây sốc. Bởi khi người tham gia giao thông trên cao tốc có thể tùy ý dừng lại ngắm cảnh, tùy tiện lùi xe khi đi quá nút giao, tùy nghi trải thảm tổ chức ăn uống như picnic trên đường cao tốc, thì việc ném những vỏ lon, vỏ chai ra đường cũng đâu phải chuyện giật mình.
Không bất ngờ, song cũng như bao nhiêu vi phạm khác trên cao tốc, hành vi xả rác tùy tiện của những người trên xe ô tô (mà chủ yếu là lái xe và trách nhiệm thuộc về người lái xe), một lần nữa, càng cho thấy khoảng cách rất xa giữa ý thức giao thông với sự phát triển của hạ tầng.
Xuất hiện cả chục năm nay ở Việt Nam, cao tốc không còn là dạng hạ tầng quá mới mẻ với tài xế. Gần 1000 cây số đường cao tốc phân bổ tại nhiều địa phương, vùng miền trên cả nước, cũng không phải là ít để các lái xe có thể rèn luyện về kỹ năng.
Nhưng bên cạnh một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức nghiêm túc về các quy tắc an toàn khi lưu thông trên cao tốc, thì không ít người vẫn chỉ quan niệm đơn giản: cao tốc là đường được chạy “mát ga”. Sự ngẫu hứng, tùy tiện vẫn còn rất phổ biến. Tiện đâu vứt đó, thích đâu dừng đó, thoắt cái vượt, thoắt cái chuyện làn, cứ như thể “đường nhà mình”.
Dấu vết của cách đi lại một thời xe đạp, xe máy trên đường làng ngõ xóm vẫn còn hiển hiện trên các tuyến cao tốc với tốc độ lưu thông lên tới hơn 100km/h. Bởi thế, cao tốc với thiết kế đặc biệt, nhẽ ra có hệ số an toàn cao hơn hẳn, lại trở thành những cung đường thấp thỏm đối với nhiều lái xe, khi không thể nào lường hết “tai bay vạ gió”.
Các biện pháp truyền thông về an toàn cao tốc cho người lái xe cũng như người dân nơi cao tốc đi qua, ít nhiều đã được thực hiện. Tuy nhiên, để thay đổi những thói quen đã trở thành “tập quán” thì truyền thông cần thêm thời gian gấp nhiều lần con số 10 năm. Trong khi, số trường hợp bị xử lý mới chỉ như “muối bỏ bể” so với vi phạm thực tế.
Các chế tài được đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng nặng gấp nhiều chục lần cho vi phạm trên cao tốc, nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét thận trọng trước khi ban hành. Trong khi đó, an toàn giao thông trên cao tốc vẫn bị đe dọa hàng ngày hàng giờ, bởi những hành vi thiếu trách nhiệm, xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, được thúc đẩy bởi nhận thức ấu trĩ cùng sự tùy tiện của một bộ phận người lái xe.
Hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư mạnh để “đi trước một bước”, tạo động lực cải thiện ATGT và thúc đẩy kinh tế xã hội. Nhưng hạ tầng đang đi trước quá xa so với ý thức, trở thành bất cập rất lớn, là nguyên nhân dẫn đến nhiều TNGT nghiêm trọng, thảm khốc trong thời gian vừa qua.
Với khoảng cách quá xa như vậy, tất nhiên, ATGT sẽ không thể đợi chờ cho đến khi ý thức bắt kịp hạ tầng. Để rút ngắn khoảng cách này, có lẽ, cần “chạy nước rút” bằng những sự giáo dục qua chế tài, bằng cưỡng chế xử lý vi phạm, thay vì trông chờ vào sự tự dịch chuyển của ý thức giao thông với tốc độ “rùa bò”.