Thực hiện chỉ đạo của UBND TP lực lượng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã ra quân xử lí vi phạm xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông gây nguy hiểm cho người đi đường và xe thương binh giả.
Trước đó, ngày 9/3, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1370/UBND-TH về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.
|
Trước tình trạng xe ba gác tự chế hoành hành gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, UBND TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. |
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở GTVT và các địa phương quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.
Trong đó, lực lượng TTGT cần tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng hoá cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hoá.
|
Ngày 11/5, lực lượng CSGT trên địa bàn TP Hà Nội ra quân, tích cực xử lý nghiêm xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. |
Chiều ngày 11/5, Đội CSGT số 14 (Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT.
Có mặt tại ngã ba Kim Đồng – Giải Phóng, trong vòng 30 phút, lực lượng CSGT Đội 14 (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 4 trường hợp vi phạm về sử dụng xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, chở hàng cồng kềnh tham gia giao thông.
Rất nhiều tài xế không ý thức được mối nguy hiểm của việc lưu thông nguy hiểm này. Nhiều phương tiện buộc phải hạ hàng xuống để chủ hàng tìm cách vận chuyển khác, có phương tiện phải tháo phần xe tự chế buộc phía sau.
Anh Lê Khánh Toàn, sử dụng xe tự chế để vận chuyển đồ gỗ cho biết: “Do thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ nên tôi đã sử dụng xe tự chế để chở hàng cồng kềnh. Sau khi bị lực lượng CSGT bắt giữ và được giải thích tôi mới nắm được lỗi vi phạm của mình”.
|
Một thanh niên chở theo chiếc tủ lạnh cỡ lớn bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. |
Sau khi được giải thích và lập biển bản xử phạt, anh Toàn nhận thấy sử dụng những chiếc xe này để vận chuyển gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông. Anh toàn chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đồng thời vay mượn thêm người thân để chuyển đổi phương tiện vận chuyển”.
Trao đổi với PV Giaothonghanoi, Thiếu tá Đinh Xuân Thăng – Cán bộ Đội CSGT 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi đều tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm đối với người sử dụng xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. Chủ yếu những người này thuộc nhóm lao động khó khăn, thiếu kinh phí chuyển đổi phương tiện vận chuyển”.
|
Hàng hóa chở trên xe được đo đạc, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật. |
Theo Thiếu tá Đinh Xuân Thăng, nhiều phương tiện khi bị bắt giữ đều cũ nát, không đảm bảo an toàn, thậm chí không còn giấy tờ, biển số. Qúa trình xử lý cũng gặp không ít khó khăn khi những người này chây ì, không xuất trình giấy tờ hoặc bỏ lại xe do giá trị phương tiện quá thấp so với mức xử phạt hành chính theo quy định.
|
Bên cạnh việc lập biên bản xử phạt, lực lượng CSGT tiến hành tuyên truyền nhắc nhở về tác hại của việc sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hoá cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. |
“Chúng tôi kiên quyết, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính những phương tiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp không xuất trình được giấy tờ xe, phương tiện tự chế gây nguy hại đến người tham gia giao thông, chúng tối tiến hành tịch thu xe, không để diễn ra tình trạng tái phạm” – Thiếu tá Đinh Xuân Thăng cho biết thêm.
Theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1/1/2008 gồm: Xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, xe bốn bánh, trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát.
Về chế tài xử phạt, khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS 2015.
|