Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của Ban Quản lý dự án 7 về việc lựa chọn Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh – Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mỹ Thuận.
Liên danh ĐCG-CII-TASCO sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận; thống nhất với Ban Quản lý dự án 7 về nội dung công việc, dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án.
|
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã mãn tải cần đầu tư nâng cấp. Ảnh: H.P |
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 và nhà đầu tư đề xuất dự án cần nghiên cứu so sánh, đánh giá hai phương án đầu tư: triển khai thành hai dự án độc lập là TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận hoặc hình thành một dự án đầu tư toàn tuyến TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận để lựa chọn phương án tối ưu, thuận lợi, khả thi và hiệu quả cao nhất trong triển khai.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đi vào hoạt động năm 2022 hiện đã mãn tải vì chỉ có 4 làn xe chạy và không có làn dừng xe khẩn cấp.
Trước đó, Ban Quản lý dự án 7 đã nhận được hồ sơ đề xuất dự án của hai liên danh nhà đầu tư quan tâm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận gồm Liên danh ĐCG-CII-TASCO và Liên danh Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc - Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CHEC-CTC).