QL2 đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc bị hư hỏng nghiêm trọng nền và mặt đường. Ảnh: Sỹ Hào.
Đã lựa chọn xong nhà thầu thi công sửa chữa QL2
Sáng 15/8, trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng phòng (phụ trách) Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Bộ GTVT đã trả lời một số nội dung liên quan đến QL2 đoạn từ thành phố Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên xuống cấp.
Cụ thể, công trình sửa chữa tuyến QL2 từ cầu Xuân Phương, thành phố Phúc Yên đến nhà thi đấu thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) do Khu Quản lý đường bộ I (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, hiện tại đã lựa chọn xong nhà thầu.
“Đến thời điểm hiện tại các bên đang thực hiện chấm kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn để triển khai thi công. Tuy nhiên Bộ GTVT cũng chưa có văn bản thông báo đến Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc biết cụ thể về thời điểm khởi công dự án. Thời gian này đang bước vào mùa mưa ngâu, nên có lẽ việc khởi công cũng phải chậm lại một thời gian nữa” – ông Nguyễn Trọng Khánh cho biết.
Trước đó, PV báo Kinh tế và Đô thị đã có bài phản ánh về tình trạng hư hỏng nặng nề trên tuyến QL2, với nhiều điểm mặt đường bị lún, trồi sụt, ổ gà, và bong tróc lớp phủ, khiến việc di chuyển qua đây trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Dự kiến khởi công dự án nâng cấp sửa chữa QL2 trong năm 2024
Được biết, vào thời cuối năm 2023, nhiều cử tri của tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 1611/BDN gửi Bộ GTVT nêu những nội dung kiến nghị về việc: đường QL2 đoạn từ thành phố Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên xuống cấp, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Cử tri đề nghị Bộ GTVT có cơ chế để tỉnh được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp QL2.
Trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ GTVT cho rằng, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư và đã đạt được những kết quả nhất định.
Theo Bộ GTVT, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có mật độ đường giao thông toàn tỉnh cao hơn trung bình của cả nước (khoảng 2,07 km/km² so với mật độ trung bình cả nước khoảng 0,81 km/km²), với nhiều công trình kết nối nội vùng, liên vùng đã và được tập trung đầu tư như: tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hệ thống các tuyến quốc lộ 2, 2C; hệ thống đường vành đai..., cùng nhiều công trình hạ tầng giao thông khác đã góp phần hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn; tăng cường kết nối giao thông giữa các huyện, thành phố trong nội bộ tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội.
Bộ GTVT ủng hộ phương án giao cho địa phương bố trí ngân sách để đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến QL2 đoạn từ thành phố Phúc Yên đến thành phố Vĩnh Yên như kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về giao thông đường bộ và ngân sách Nhà nước quy định việc đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT nên các địa phương chưa thể bố trí ngân sách địa phương để đầu tư, quản lý, bảo trì các công trình này.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Luật Đường bộ dự kiến trình Quốc hội, trong đó có nội dung căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và khả năng bố trí nguồn nhân lực của địa phương sẽ xem xét giao cho các địa phương được phép đầu tư, quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo an toàn giao thông, trong thời gian qua Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì đoạn tuyến. Trong năm 2024, Bộ GTVT đã bố trí khoảng 63 tỷ đồng để sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến QL 2 đoạn qua Vĩnh Phúc, dự kiến công tác sửa chữa sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2024.
Sỹ Hào