|
Phương án xây dựng nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2 - Ảnh: Ban Giao thông |
Theo đề nghị của Sở GTVT, phương án thiết kế gồm 3 cầu vượt và 1 hầm chui.
Trong đó, cầu vượt số 1 (tầng 1) gồm 2 nhánh cầu vượt trên đường Vành đai 2 vượt qua các đường Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân và Rạch Ngang (TP Thủ Đức).
Cầu vượt số 2 có nhánh rẽ phải từ đường Vành đai 2 đi Phạm Văn Đồng (hướng sân bay Tân Sơn Nhất).
Hầm chui có nhánh rẽ trái (2 làn xe) từ đường Phạm Văn Đồng (hướng sân bay Tân Sơn Nhất) đi về Quốc lộ 1 - Gò Dưa.
Bên cạnh đó, cầu vượt đi thẳng tổ chức giao thông 2 chiều (4 làn xe) trên đường Phạm Văn Đồng (sẽ triển khai đầu tư ở giai đoạn sau).
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi tuyển kiến trúc hạng mục nút giao thông trên đảm bảo tính mỹ thuật, kỹ thuật, đúng quy định.
Cùng với đó, giao Sở GTVT theo dõi, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tổ chức thực hiện theo quy định; tổ chức thẩm định, trình duyệt dự án xây dựng vành đai 2 TP Hồ Chí Minh (đoạn 1, đoạn 2) theo đúng quy định.
Theo kế hoạch, hai dự án đoạn 1 và đoạn 2 đường Vành đai 2 đầu tư bằng vốn ngân sách, được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023.
Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.328 tỉ đồng.
Còn đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km có tổng vốn hơn 4.543 tỉ đồng.
Dự án này thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), được ký kết năm 2016. Dự án được khởi công vào năm 2017, nhưng tạm dừng từ giữa năm 2020 tới nay, khi khối lượng thi công mới đạt khoảng 44%. Dự kiến, dự án Vành đai 2 sẽ được tái khởi động vào dịp 30/4/2025.
Văn Dũng