Vẫn còn băn khoăn
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Thái Hồ Phương cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của TP, Sở GTVT đã tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ đối với 16 tuyến buýt trợ giá. Kết quả, 16 tuyến đều đã được đấu thầu minh bạch; mức trợ giá giảm gần 65 tỷ đồng so với cơ chế đặt hàng.
Các chuyên gia nhìn nhận, áp dụng cơ chế đặt hàng không chỉ khiến ngân sách trợ giá cho xe buýt ngày một phình to; nó còn tạo ảnh hưởng tiêu cực lên chính các DN cung ứng dịch vụ xe buýt. Vì khi đặt hàng, hầu hết các DN nhỏ sẽ không có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với DN lớn để vươn lên. Đưa các tuyến buýt trợ giá ra đấu thầu có thể đồng thời giải quyết cả 2 vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ sự băn khoăn với một số DN tham gia cung ứng dịch vụ xe buýt. Tiến sỹ Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) đặt vấn đề: “Hiện tiêu chí, tiêu chuẩn đối với các tuyến buýt đấu thầu đúng là có những điểm khiến DN ngần ngại. Ví dụ như việc thời gian khai thác tuyến là 5 năm, trong khi yêu cầu DN phải mua xe mới, đưa vào vận hành”. Ông Tân lưu ý thêm, bên cạnh việc phải đầu tư lớn, thu lợi nhỏ, các DN còn lâm vào cảnh khó xử với những chiếc xe buýt sau thời gian thực hiện gói thầu. Bởi xe buýt có đặc thù thiết kế riêng, ít ghế ngồi; khi không còn được khai thác nữa, DN phải tốn thêm một khoản phí hoán cải thành loại hình phương tiện kinh doanh khác.
Tự lượng sức mình
Đứng trước những băn khoăn của DN, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, DN vận tải khi tham gia đấu thầu cần tính toán kỹ phương án kinh doanh của mình. Quy định gói thầu cung ứng dịch vụ xe buýt có thời hạn 5 năm là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nhưng đó chỉ mang tính khuyến khích chứ không phải quy định cứng mọi tuyến buýt sử dụng phương tiện mới hoàn toàn.
Một số chuyên gia còn cho rằng, DN vẫn được trợ giá từ ngân sách TP nên việc đầu tư phương tiện rồi chịu lỗ là khó có khả năng xảy ra. Về phần phương tiện, sau khi hết hạn khai thác dịch vụ xe buýt, DN có thể bán cho đơn vị khác hoặc tự hoán cải, tuỳ theo kế hoạch kinh doanh của đơn vị.
Ông Thái Hồ Phương chia sẻ, một DN khi trúng thầu khai thác tuyến buýt có thể thuê đến hàng trăm lao động. Sau 5 năm, những nhân sự đó sẽ gặp khó khăn nếu DN không đảm bảo được việc làm cho họ. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề có thể giải quyết trước hết bằng nội lực của DN và chính người lao động. DN làm tốt thì TP ghi nhận và đó cũng chính là điểm cộng năng lực cho DN khi tham gia những gói thầu khác. Về phần người lao động, nếu có ý thức rèn luyện, kỹ năng tốt thì vẫn có thể dễ dàng tìm được việc làm ở những tuyến buýt khác.
Tiến sỹ Đặng Minh Tân cho rằng, cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN đều cần phải “liệu cơm gắp mắm”. TP nên cân nhắc, đối với những tuyến buýt có lượng hành khách thấp có thể xem xét kéo dài gói thầu để khuyến khích DN. “Đối với người lao động, khi kết thúc gói thầu cũ, mở gói thầu mới, có thể đặt vấn đề thu nhận cán bộ, nhân viên đang làm việc trên tuyến vào tiêu chí đấu thầu. Tất nhiên là với điều kiện người lao động đó phải đạt yêu cầu công việc” - ông Tân đề xuất.
Các tuyến đưa ra đấu thầu xong vẫn vận hành với mức giá vé theo quy định, không tăng. Chất lượng dịch vụ cơ bản đảm bảo tốt trong khi mức trợ giá giảm thấy rõ. Đó chính là hiệu quả của cơ chế đấu thầu. Ngoài ra, mọi tuyến buýt đấu thầu đều được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định, cũng như đạt các tiêu chí đề ra đối với loại hình xe buýt có trợ giá.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị - Thái Hồ Phương |
Ngọc Hải