Dạy học sinh cách lái xe điện an toàn: Giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

 
Chia sẻ

Kinhtedothi - Xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là với học sinh phổ thông.

Nhưng vì không hiểu luật giao thông lại thiếu kỹ năng xử lý nên nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra. Theo các chuyên gia cần có những biện pháp giáo dục nhiều chiều, cơ bản nhất là dạy Luật Giao thông đường bộ cho các em thông qua các cuộc thi tìm hiểu, thi thực hành lái xe điện ngay tại trường.
Hiểm họa nhân đôi
Học sinh là những người độ tuổi vị thành niên, các em đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện về con người lẫn tâm sinh lý. Khả năng nhận thức, kỹ năng phản ứng, xử lý tình huống chưa phải ở mức độ hoàn thiện. Còn đối với xe đạp điện, xe máy điện, nhất là xe máy điện một loại phương tiện mới phổ biến ở Việt Nam những năm gần đây thì lại cần có kỹ năng xử lý khá phức tạp vì vận tốc tối đa lên tới 40 - 50km/giờ. Hơn nữa, hiện nay, giao thông tại các đô thị lớn ở nước ta khá rối ren, chưa được phân luồng, hệ thống đèn tín hiệu, biển bảo còn bất cập chưa rõ ràng khiến cho việc “học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện” tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn.

Cảnh sát giao thông Đội 1, Công an Hà Nội xử lý trường hợp lái xe máy điện không đội mũ bảo hiểm trên phố Hàng Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Việc bắt gặp các em học sinh điều khiển xe máy điện ngoài đường nay không còn lạ, nhất là những lúc tan tầm lượng học sinh điều khiển bằng phương tiện này chiếm quá nửa. Sẽ không có gì đáng nói nếu như TNGT do học sinh điều khiển xe máy điện những năm gần đây liên tục tăng.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT, trong đó có nhiều vụ liên quan đến xe đạp, xe máy điện. Hiện ở nước ta lượng xe đạp điện, xe máy điện ngày càng tăng do chạy phương tiện này không phát ra tiếng ồn, chạy bằng năng lượng điện và đặc biệt ưa thích đối với học sinh vì không cần thi giấy phép lái xe. Một nghịch lý xuất hiện đó là không có giấy phép lái xe sẽ không nắm được luật giao thông cũng như kỹ năng khi điều khiển... dẫn đến TNGT tăng.
Bên cạnh đó, chính việc chạy không phát ra tiếng động cơ khiến cho xe đạp điện, xe máy điện chẳng khác một chiếc “đĩa bay” trên đường, những phương tiện khác không thể định vị được chính xác những xe đạp điện, xe máy điện đang đi sau mình và có ý định xin vượt, đó là còn chưa kể nhiều hãng xe đạp điện chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật như thiếu xi - nhan, hệ thống phanh chưa an toàn, tốc độ vượt ngưỡng cho phép… Việc sử dụng ắc quy tích điện làm năng lượng có thể giúp giảm lượng khí thải ra môi trường ở thời điểm trước mắt, nhưng về lâu dài khi ắc quy hết tuổi thọ và phải bỏ đi thì một lượng chì độc hại sẽ lại là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn đất và nguồn nước sinh hoạt.
Khuyến khích sử dụng xe bus, xe đạp
Tuy rằng có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn sắm cho con cái khi bước vào trung học phổ thông. Mặc dù phải chấp hành luật giao thông và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách như xe máy nhưng việc xử phạt hành chính đối với đối tượng học sinh rất khó. Vì các em không có tiền, mà có xử phạt bằng tiền thì không mang nhiều tính răn đe đối với học sinh. Còn tại các nhà trường, chưa có chương trình giáo dục luật giao thông cụ thể hoặc chỉ mang tính lý thuyết, nhiều bậc phụ huynh cũng không hướng dẫn những kỹ năng đi xe cơ bản cho con cái khiến việc các em điều khiển xe đạp điện, xe máy điện như trên sân tập riêng của mình.
Biện pháp mang tính triệt để chính là không nên khuyến khích con cái chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Đặc biệt xe máy điện có khả năng tăng tốc độ rất nhanh không kém gì xe máy tay ga, với độ tuổi hiếu động như học sinh chắc hẳn không bậc phụ huynh nào muốn nhìn thấy cảnh tượng con mình “lạng lách” trên đường cùng với 3,4 bạn cùng “bay” trên đường phố đông đúc.
Hãy khuyến khích các con sử dụng xe buýt nếu nhà xa trường, hoặc đi xe đạp coi như đó là bài tập thể dục mỗi sáng hay thuê những chuyến ô tô đưa đón học sinh tại các khu đô thị, tập trung nhiều học sinh chung một trường. Cùng với đó, nhà trường cần tuyên truyền rõ cho học sinh thấy được mức độ nguy hiểm khi điều khiển một phương tiện có tốc độ cao như xe máy điện, làm các em tự tìm đến các phương tiện an toàn hơn (xe đạp, xe buýt). Việc xử lý hành chính các em học sinh nên liên hệ với nhà trường để xét hạnh kiểm và có biện pháp giáo dục, cảm hóa thích hợp. Các bậc phụ huynh cũng phải nêu gương chấp hành nghiêm luật giao thông để các con nhìn vào đó mà học tập. Hãy để cho những ước mơ trong sáng của các con em mình thành hiện thực, đừng để tuổi xuân lỡ vụt tắt chỉ vì những TNGT có thể phòng tránh được.

kinhtedothi.vn

Tin liên quan