|
Lễ hội Đền Đông Cuông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Với dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.
Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền Chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính về hướng Nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích Đền Đông Cuông).
Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết Đền có muộn nhất vào đời Lê. Được phát triển từ một Miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần). Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là "Thần vệ quốc" và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ.
Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực đền có liên quan đến Đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ).
Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày "Mão" tháng Giêng hằng năm, mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu. Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông làm thủ tục cúng tế, sau đó được rước quay về đền làm lễ dâng hương tế Mẫu.
Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn, đấu vật...; màn giao lưu hát then, hát cọi, khèn bè, tiếng reo hò…, hội tụ đông đảo đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Dao…, tạo nên không khí náo nức, vui tươi cho lễ hội.
Năm 2000, đền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, năm 2009 được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Cùng với việc ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.