Người Hà Nội tranh thủ tìm mua một món rất riêng, đặc sản của mùa thu

THÀNH LUÂN - DUY MINH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Mùa hoa sữa về thơm lừng nhiều dãy phố Thủ đô cùng với tiết trời thu dịu dàng, "chiều chuộng" người đi đường. Trong bầu không khí, vẻ đẹp rất riêng biệt này, mọi người lại đi tìm, nghĩ ngay tới cốm - một đặc sản chỉ có vào mùa thu.

Nguoi Ha Noi tranh thu tim mua mot mon rat rieng, dac san cua mua thu - Hinh anh 1
Cứ mỗi khi Hà Nội vào thu, người dân Thủ đô lại tranh thu đi tìm các gánh hàng rong bán cốm.

Hương vị của mùa thu

Khi Thủ đô nghìn năm tuổi bắt đầu một ngày với tiết trời se se lạnh, đâu đó một chút mưa phùn cùng với mùi hoa sữa phảng phất trên đường phố tạo nên một bức tranh lãng mạn cũng đầy mộng mơ là báo hiệu thời điểm đặc biệt nhất trong năm - đó là mùa thu Hà Nội đã về.

Mùa thu của Hà Nội, những con phố dần thay lớp áo mới, những hàng cây xanh mướt trên phố Phan Đình Phùng giờ đây ngập tràn lá vàng rơi. Mỗi khi có cơn gió nhẹ đi ngang qua, là nghe thấy tiếng xào xạc nhẹ nhàng của lá. Những con phố cổ xưa vẫn tồn tại nguyên vẹn, đưa người ta thấy được vẻ yên bình của một Thủ đô trăm năm tuổi.

Những gánh cốm rong lại xuất hiện trên những tuyến phố xung quanh khu vực phố cổ, Nhà thờ lớn, hồ Hoàn Kiếm. Gánh hàng những gói cốm dẻo thơm được bọc trong lớp lá xanh mướt, người dân nán lại mua một vài lạng rồi đi, mang đến các quán cà phê để thưởng thức, hoặc khi gia đình quây quần với ấm chè để nhâm nhi.

Chị Nguyễn Hải Anh (32 tuổi, quận Tây Hồ) cùng bạn mình mùa thu năm nào cũng tranh thủ tìm các gánh hàng rong trên phố cổ để mua cốm rồi thưởng thức tại một góc quán cà phê.

Nguoi Ha Noi tranh thu tim mua mot mon rat rieng, dac san cua mua thu - Hinh anh 2
 Cốm chỉ cần mua một vài lạng để nhâm nhi, thưởng thức.

"Tôi có mua hai phần cốm tươi, một phần tôi ăn cùng với sữa chua tại quán vì vị ngọt nhẹ rất thơm hòa quyện cùng sự ngậy rất hợp khẩu vị. Còn lại để buổi tối gia đình quây quần cùng nhau thưởng thức sau bữa ăn khi hãm một ấm chè, lấy chuối tiêu chấm vào cốm để ăn, mùi thơm của cốm hòa cùng vị ngọt của chuối" - Chị Hải Anh cho hay.

Trong khi đó, với anh Việt Dũng (quận Cầu Giấy) cho biết, ăn cốm như là thức quà dân dã, bình dị của riêng mùa thu Hà Nội. Hương cốm cùng mùi vị gợi lại tuổi thơ và kí ức về một nét riêng trong văn hóa người Tràng An.

"Thưởng thức cốm không phải để ăn cho no mà là cảm nhận hương vị bên cạnh chén trà xanh, nói chuyện cùng bạn bè hay gia đình, ngắm phố phường. Cách ăn cũng giống như mùa thu của Hà Nội vậy, chậm rãi dùng đầu ngón tay lấy một ít rồi ăn, không dành cho người "sống vội"" - anh Dũng nói.

Rộn ràng mùa cốm

Để có thể tận mắt nhìn thấy cách làm ra thức quà dân dã chỉ có riêng vào mùa thu Hà Nội, chúng tôi đã về làm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) - nơi nổi tiếng với nghề làm cốm truyền thống và đã được đưa vào Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguoi Ha Noi tranh thu tim mua mot mon rat rieng, dac san cua mua thu - Hinh anh 3
 Những ngày này, người dân tại làng Mễ Trì tất bận chuẩn bị cốm.

Đến Mễ Trì vào mùa vụ cốm cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm người dân làng tất bật cho vụ cốm mới lớn nhất trong năm, khắp các con đường tại 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) "đánh thức" khứu giác chúng ta mùi thơm đặc trưng của các hạt thóc rang, tiếng âm thanh của chày giã.  

Nguyên liệu làm cốm là lúa nếp, ngon nhất để làm cốm là khi chớm đông sữa, mới có vị ngọt tự nhiên của bông lúa. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa cái hoa vàng… đem về rang chín rồi giã, sàng sảy nhiều lần.

Ngồi trò chuyện với người dân ở đây được biết, vào mỗi vụ cốm trước đây, từ tờ mờ sáng, người dân nối đuôi nhau thồ những xe lúa nếp trĩu bông, ướt đẫm sương về làng. Khắp các con đường, ngõ xóm, mấy bà cụ túm năm tụm bảy ngồi nhặt bông lúa, chuyện trò rôm rả.

Đến hiện nay, nhiều công đoạn vất vả trong nghề như đem tuốt lấy hạt thóc, sau đó đem giã, sàng sảy nay đã chuyển sang máy móc. Tuy nhiên, nghề truyền thống này vẫn cần đến bàn tay của con người khi phải đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm đạt độ mềm, dẻo, mỏng, tơi nhất định, không bị vụn.

Nguoi Ha Noi tranh thu tim mua mot mon rat rieng, dac san cua mua thu - Hinh anh 4
 Trung bình mỗi mẻ cốm rang thường kéo dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Ông Nguyễn Tiến Hoà, chủ một cơ sở làm cốm tại Tổ dân phố số 4 thuộc Mễ Trì Thượng, chia sẻ, rang cốm là quá trình quan trọng nhất khi nghề gia truyền đòi hỏi hạt thóc phải được rang sao cho đạt độ dẻo, dai.

Muốn làm được như vậy, bếp lò để rang cốm phải đắp bằng xỉ than; lửa cần được canh điều chỉnh sao cho vừa đủ, để hạt thóc chín tới, không bị sống hay vỡ nát. Ước lượng miết tay hạt lúa mềm, dẻo là đủ độ. Trung bình mỗi mẻ cốm rang thường kéo dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, cốm muốn thơm phải rang bằng củi chứ không dùng than mới dậy mùi thơm nguyên vẹn. Lúc mới rang thì để lửa to, đều, đến khi gạo chuyển màu tái trắng thì giảm lửa, đảo liên tục cho hạt cốm chín đều mà không bị gãy, trấu tróc vỏ thì đạt bởi nếu lửa to quá sẽ bị cháy và lửa nhỏ quá cốm sẽ không đạt yêu cầu dẻo.

Không chỉ có hương hoa sữa, tiết trời se se, thu Hà Nội còn mang đến những thức quà gây thương nhớ, đầy lưu luyến. Trong những bản tình ca không tuổi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có đoạn viết: "Hà Nội mùa Thu, mùa Thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...."

Ngoài cốm Mễ Trì, còn có cốm làng Vòng khiến mùa thu Hà Nội luôn sâu đậm trong ký ức mỗi người, trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tin liên quan