Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh

Q.ANH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tổng cục Du lịch đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TCDL về Kế hoạch triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Ung dung cong nghe cua cong nghiep 4.0 de phat trien du lich thong minh - Hinh anh 1
Số hóa 3D chi tiết không gian kiến trúc toàn bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Hồng Hà 

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ gồm có: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cụ thể hóa và tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2023-2025 là xây dựng quy định, quy chế để phát triển du lịch thông minh, trong đó có xây dựng Đề án "Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch". Phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Phát triển các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đáng chú ý có xây dựng nền tảng số quốc gia "Quản trị và kinh doanh du lịch" nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến; nâng cấp, phát triển website du lịch quốc gia. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh.

Giai đoạn 2026-2030, duy trì và cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả cơ chế phối hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và với các bộ ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan; phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng công nghệ trên thế giới và ứng dụng công nghệ mới phục vụ phát triển du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch là đơn vị được giao đầu mối tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Du lịch về những khó khăn, vướng mắc của các Vụ, đơn vị trong quá trình triển khai Kế hoạch; đồng thời phối hợp, hướng dẫn các Vụ, đơn vị trong các hoạt động liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp thông tin và dữ liệu điện tử phục vụ phát triển du lịch thông minh và triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Tin liên quan