Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trên cả nước hiện có 300 cơ sở đăng kiểm với 553 dây chuyền kiểm định, nhưng hiện có 280 cơ sở đăng kiểm đang hoạt động với 462 dây chuyền kiểm định.
Tính đến ngày 30/11/2024, các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước đã kiểm định được gần 5,4 triệu lượt phương tiện; trong đó có hơn 4,5 triệu lượt (chiếm 84,2%) phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT, hơn 852.000 nghìn lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại (chiếm 15,8%).
Công tác kiểm định xe cơ giới tại các cơ sở đăng kiểm đến nay cơ bản được duy trì, hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2024, Cục này tiếp tục áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đã tổ chức, quản lý tốt công tác thu phí sử dụng đường bộ tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, dự kiến thu phí sử dụng đường bộ năm 2024 vượt kế hoạch được giao.
Cụ thể, tính đến hết ngày 30/11/2024, tổng thu giá dịch vụ đăng kiểm là 836 tỷ đồng, ước tính cả năm 2024 thu khoảng 936 tỷ đồng, đạt 114% so với kế hoạch tài chính.
Tổng thu phí sử dụng đường bộ của hệ thống các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong cả nước tính đến hết ngày 30/11/2024 là 12.737 tỷ đồng và ước tính cả năm 2024 sẽ thu được 13.500 tỷ đồng, đạt 118% so với dự toán Bộ GTVT giao 2024.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, từ cuối năm 2022, tại Cục Đăng kiểm và các đơn vị trực thuộc xảy ra nhiều vụ việc dẫn đến các hoạt động trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện có nguy cơ đứt, gãy, đặc biệt là lĩnh vực kiểm định xe cơ giới đang lưu hành.
Điều này dẫn đến tồn đọng rất nhiều hồ sơ và nhiều phương tiện đến hạn nhưng chưa được đăng kiểm gây thiệt hại về kinh tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết thêm, thống kê năm 2023 có khoảng hơn 900 người bị khởi tố, điều tra trên tổng số 2.014 đăng kiểm viên của toàn hệ thống kiểm định, cộng thêm nhiều trường hợp xin nghỉ việc, tự ý bỏ việc dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, đăng kiểm viên có kinh nghiệm.
Việc khẩn trương bù đắp nguồn nhân lực bị thiếu hụt là nhiệm vụ quan trọng của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bên cạnh việc bổ sung nhân sự theo diện hợp đồng làm công việc chuyên môn theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP và tuyển dụng sinh viên mới ra trường, Cục Đăng kiểm cũng khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn, đánh giá, cấp mới, cấp lại chứng chỉ đăng kiểm viên.
Tính đến hết tháng 11/2024, đã có 489 đăng kiểm viên và 290 đăng kiểm viên bậc cao được cấp chứng chỉ và bổ sung vào hệ thống, nâng số lượng đăng kiểm viên đang tham gia hệ thống kiểm định lên tới 1.920 người, đã cơ bản bù đắp số lượng đăng kiểm viên như trước khủng hoảng.